Lãng phí nguy hại hơn cả tham nhũng

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu chỉ ra những vụ việc cụ thể cho thấy, lãng phí đang lan tràn trong đời sống xã hội, mức độ nguy hại của nó còn hơn cả nạn tham nhũng.

 

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu lực từ 1/1/2006, nhưng khi đánh giá việc triển khai thực hiện, thì hầu hết báo cáo của các bộ, ngành, địa phương chỉ nêu con số tiết kiệm được, mà “bỏ quên” phần chống lãng phí được thực hiện như thế nào. Điều này phản ánh một thực tế rằng, lãng phí trong đầu tư công đang không có người chịu trách nhiệm. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp nhằm cắt giảm và chấn chỉnh đầu tư công, nhưng đầu tư công ở nước ta vẫn chiếm một tỷ lệ khá cao trong nền kinh tế (khoảng 38,9% năm 2011), trong khi hiệu quả của nó mang lại rất thấp.


Những vụ lãng phí hàng trăm tỉ, hàng ngàn tỉ đồng xuất phát từ từ đầu tư sai, đầu tư thiếu đồng bộ, chậm tiến độ; đầu tư theo kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy”, khiến nguồn vốn đầu tư công kém hiệu quả. Có thực tế chua xót, tỉnh nọ xin được tiền ngân sách, thường lại không căn cứ vào thế mạnh của địa phương, không dựa trên đặc thù cả về lợi thế và vị trí riêng để chọn dự án đầu tư cho phù hợp, mà thường sao chép lẫn nhau. Thấy tỉnh bạn có cảng biển, sân bay, thì tỉnh mình cũng phải cảng biển, sân bay…. bất chấp hiệu quả kinh tế. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là tiền dân đóng thuế, thua lỗ dân chịu, vậy nên lãnh đạo một số địa phương tha hồ phóng tay, cốt sao có dự án để mà hưởng hoa hồng... Thế nên mới xảy ra tình trạng tràn lan các quy hoạch treo để cỏ mọc um tùm; vô số những dự án mía đường, xi măng lò đứng, bến cảng, thủy điện, thủy lợi xây dựng dở dang; các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, cảng sông, cảng biển… xây xong chỉ làm bến đỗ cho cò đậu, hoặc làm nơi thả rông trâu bò…


Cần khẳng định rằng, lãng phí đầu tư công là nghiêm trọng. Nhưng người gây ra hậu quả nghiêm trọng, lãng phí vẫn ung dung tại vị. Vẫn biết, đã có những quy định chặt chẽ trong việc sử dụng kinh phí, tài sản công với danh mục, tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng; thế nhưng, việc thực thi và giám sát lại thiếu chặt chẽ, kết cục là khi để xảy ra lãng phí, vẫn chẳng ai phải bồi thường thiệt hại và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó là chưa kể, việc ban hành chính sách không phù hợp, quyết định thiếu chính xác dẫn đến lãng phí cả nghìn tỷ đồng mà người ra quyết định cùng lắm cũng chỉ bị phê bình hoặc khiển trách. Đã đến lúc phải nhìn nhận lãng phí đã trở thành “quốc nạn”. Thay vì coi lãng phí như một thứ tệ nạn, một biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, cần nhìn nhận đó là hành vi tội phạm.


Thảo luận dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhiều đại biểu đề nghị cần có chế tài đủ mạnh để xử lý những người gây ra lãng phí. Bởi, nếu trách nhiệm không rõ ràng, biện pháp không đủ mạnh, thì kết quả chống lãng phí sẽ không cao và tệ nạn lãng phí sẽ không được ngăn chặn. Luật cũng cần phải điều chỉnh cụ thể đối tượng là cán bộ, công chức, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nói cách khác, chống lãng phí cần được thực hiện ở một cấp độ mới, cao hơn, quyết liệt hơn và trước hết là việc thay đổi tư duy của người dân và cả xã hội đối với tệ nạn này.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN