Làm rõ trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với người bị oan sai và thân thích

Về bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự (khoản 4 Điều 27), Luật Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) quy định việc bồi thường thiệt hại về tinh thần chỉ trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết.

Sáng nay 20/6, với 454/458 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 92,46%), Quốc hội đã thông qua Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Luật có 9 chương, 78 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.

Luật đã thông qua quy định về việc: Khi thụ lý hồ sơ, trường hợp trong văn bản yêu cầu bồi thường không có yêu cầu phục hồi danh dự thì cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm làm rõ người bị thiệt hại có yêu cầu phục hồi danh dự hay không tại điểm a khoản 2 Điều 42 của dự thảo Luật.

Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, cho biết, có ý kiến đề nghị, đối với thiệt hại về tinh thần quy định tại Điều 27 thì Nhà nước bồi thường, đồng thời tiến hành cải chính, xin lỗi công khai người bị oan mà không cần có yêu cầu của họ.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người bị oan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan bổ sung quy định như trên.

Về bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự (khoản 4 Điều 27), Luật đã thông qua quy định việc bồi thường thiệt hại về tinh thần chỉ trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, quy định như vậy là kế thừa quy định của Luật hiện hành, đồng thời phù hợp với quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước. Hơn nữa, bồi thường thiệt hại về bản chất là bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại, nhưng trong trường hợp người đó đã chết thì người thừa kế được hưởng. 

“Nếu quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị thiệt hại trong trường hợp người đó còn sống thì không hợp lý và dễ phát sinh phức tạp trong quá trình thực hiện. Mặt khác, vấn đề này chưa được tổng kết, đánh giá tác động và nghiên cứu kỹ các nội dung liên quan”, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Cũng trong sáng nay, với 458/458  đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 93,28%), Quốc hội đã thông qua Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Xuân Phong/Báo Tin Tức
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nhiều dự án luật
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nhiều dự án luật

Trong những ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nhiều dự án luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN