Lâm Đồng thành công với mô hình 'Xe công đi chung'

Cho đến thời điểm này, tỉnh Lâm Đồng vẫn là địa phương duy nhất trong cả nước thực hiện thí điểm Đề án “Tổ chức quản lý xe ô tô chung của các cơ quan đơn vị đang làm việc tại Trung tâm Hành chính tỉnh”. Sau hơn một năm thực hiện, mô hình thí điểm này đang phát huy hiệu quả.

Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 4/2015. Ngay sau khi thành lập, Lâm Đồng đã bố trí Trung tâm này trở thành địa điểm làm việc tập trung tại một tòa nhà cho 19 sở ngành và 34 đơn vị sự nghiệp công lập. Giải pháp này đã đem lại những hiệu quả tích cực, vừa tổ chức vận hành bộ máy hành chính của tỉnh hiệu quả theo phương thức hiện đại, lại tạo điều kiện cho công dân đến liên hệ công việc dễ dàng, thuận tiện hơn.

Đến tháng 4/2017, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra Quyết định số 679/QĐ-UBND, ban hành Đề án thí điểm “Tổ chức quản lý xe ô tô chung của các cơ quan đơn vị đang làm việc tại Trung tâm Hành chính tỉnh”. Thực hiện Đề án này, tỉnh đã điều chuyển 43 trong tổng số 60 xe ô tô của các sở, ngành và đơn vị sang Đội xe ô tô dùng chung do Trung tâm Hành chính tỉnh quản lý. Ngay từ bước đầu, Đề án này giảm 17 xe ô tô công, kèm theo đó là giảm biên chế, hợp đồng lái xe, kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng số phương tiện dư thừa. Các xe không đảm bảo an toàn sử dụng, được bàn giao cho ngành Tài chính để xử lý theo quy định hiện hành.

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, trong năm 2015, tổng chi phí sử dụng cho 60 xe công và lái xe trên 8,3 tỷ đồng. Trong đó, lương và phụ cấp cho lái xe là 4,66 tỷ đồng, với mức bình quân phải trả trong năm cho mỗi lái xe trên 86 triệu đồng. Kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng và các khoản chi khác cho phương tiện trên 3,6 tỷ đồng, bình quân 61,6 triệu đồng trên mỗi đầu xe/năm.

Để xây dựng Đề án này, Lâm Đồng đã căn cứ vào những thuận lợi và hạn chế khi áp dụng phương thức quản lý xe công phổ biến trong cả nước hiện nay. Đó là, nếu để các đơn vị, tổ chức sử dụng xe riêng rẽ sẽ chủ động trong quản lý phương tiện, đáp ứng nhanh nhu cầu công tác nhưng kèm theo đó là rất nhiều hạn chế, bất cập như: mỗi cơ quan, đơn vị đều sử dụng xe riêng nên khi đi công tác có nhiều người, nhiều cơ quan đơn vị cùng tham gia tại một địa điểm trong cùng một thời điểm như hội nghị, làm việc liên ngành… các đơn vị đều điều xe đến, gây tốn kém, lãng phí về phương tiện, lái xe phục vụ, đồng thời gây phản cảm trong dư luận nhân dân.

Ngoài ra, khi đi công tác tại các địa bàn giao thông đi lại khó khăn, hiểm trở, cần sử dụng xe gầm cao, 2 cầu, một số cơ quan không có loại xe này, còn những cơ quan có xe lại nhàn rỗi, không sử dụng tới. Bên cạnh đó, công tác quản lý xe công tại nhiều đơn vị chưa chặt chẽ, còn sử dụng xe công vào việc riêng như đi đám cưới, đi lễ hội, đưa đón người nhà. Cá biệt có những lãnh đạo sở, ban ngành tự lái xe biển xanh đi làm việc riêng, tạo nên dư luận không tốt cho nhân dân…

Qua đánh giá ban đầu, Đề án đã đạt được những hiệu quả thiết thực như: việc sử dụng nguồn xe công vụ hiện đã đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức và có hiệu quả; tránh tình trạng sử dụng xe không đúng mục đích. Đánh giá ban đầu, hàng năm ngân sách nhà nước đã tiết kiệm khoảng gần 2 tỷ đồng; trong đó tiết kiệm từ chi phí sử dụng của 17 đầu xe trên 1 tỷ đồng, tiết kiệm chi trả cho 11 nhân viên lái xe gần 950 triệu đồng. Đó là chưa kể thời gian nhàn rỗi, không tham gia vận hành xe ô tô của nhân viên lái xe khi cơ quan - đơn vị chủ quản chưa có nhu cầu sử dụng xe.

Ông Nguyễn Tấn Đa, Trưởng Ban Quản lý Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng cho biết: Sau hơn một năm thực hiện Đề án thí điểm, lượng xe công mà Trung tâm được giao quản lý đã giảm tiếp từ 43 xe xuống còn 37 xe nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu phục vụ công việc cho toàn bộ 19 sở, ngành và 34 đơn vị sự nghiệp công nghiệp của tỉnh. Cái được lớn nhất của Đề án này là việc bố trí phương tiện phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của tất cả các cơ quan đơn vị đều thuận lợi.

Chẳng hạn, khi có một sự kiện tổ chức ở xa, triệu tập đại diện nhiều cơ quan đơn vị tham gia, lãnh đạo các đơn vị đi chung xe vừa tiết kiệm, vừa không gây phản cảm trong nhân dân. Do chủng loại xe phong phú, nên việc bố trí xe phù hợp đi công tác ở các vùng có điều kiện giao thông khác nhau đều rất dễ dàng. Đặc biệt, mỗi khi tỉnh có sự kiện lớn như tổ chức lễ hội, Festival, diễn tập phòng thủ, kỳ thi quốc gia… cần huy động lượng phương tiện lớn là lập tức có thể đáp ứng được ngay…

Ông Đa cho biết thêm, với những nhân viên lái xe dôi dư, tỉnh đã bố trí cho những người đủ tuổi nghỉ hưu. Một số người khác được tạo điều kiện cho chuyển công tác, hoặc đi học chuyên môn để chuyển sang công tác tại lĩnh vực khác.

Qua hơn một năm triển khai Đề án thí điểm “Tổ chức quản lý xe ô tô chung của các cơ quan đơn vị đang làm việc tại Trung tâm Hành chính tỉnh”, Lâm Đồng đang thể hiện mô hình này đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ. Kết quả này cho thấy Đề án  cần được ghi nhận, đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng ra các địa phương khác trong cả nước, để xây dựng một mô hình quản lý hành chính công hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Chu Quốc Hùng (TTXVN)
Nhiều hiệu quả tích cực từ khoán xe công
Nhiều hiệu quả tích cực từ khoán xe công

Theo ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, việc quản lý, sử dụng xe công đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Việc sử dụng xe công vào mục đích riêng đã gần như không còn diễn ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN