Bên lề kỳ họp, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự tin tưởng, kỳ vọng vào một Chính phủ mới quyết liệt hơn, thành công hơn, nhưng có sự kế thừa, tiếp bước những kết quả và thành công của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đất nước vượt qua khó khăn.
Bày tỏ sự kỳ vọng đối với Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, việc triển khai “ba đột phá chiến lược” trong nhiệm kỳ mới không chỉ là nhiệm vụ riêng của Chính phủ, mà là của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện. Đại biểu mong muốn Chính phủ tập trung xây dựng thể chế hiệu quả hơn, khắc phục những tồn đọng trước đó.
Đại biểu nhấn mạnh nhiệm vụ nâng cao chất lượng nội dung và đảm bảo yếu tố thời gian khi xây dựng luật như trình Quốc hội trước 60 ngày, đủ thời gian thẩm định và lấy ý kiến nhân dân; sau khi luật được ban hành, Chính phủ triển khai các văn bản dưới luật kịp thời, sớm ban hành các nghị định, thông tư, hướng dẫn các bộ, ngành để tránh khoảng trống pháp lý khi luật cũ hết hạn, luật mới không thực hiện được; hạn chế khó khăn, xáo trộn trong cuộc sống của người dân, doanh nghiệp.
“Đặt hàng” Quốc hội và Chính phủ trong nhiệm kỳ mới vào việc giám sát thực hiện các văn bản dưới luật, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho biết, năm 2020, trong số 24 vấn đề vướng mắc đối với doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng kết, 4 vấn đề liên quan đến luật đã được Quốc hội sửa trong nhiệm kỳ vừa qua trong các dự án: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đáng chú ý, 20 vấn đề có điểm chung đều liên quan đến sự chồng chéo, vướng mắc của văn bản dưới luật (pháp lệnh, nghị quyết, sắc lệnh, nghị đinh, quyết định, thông tư). Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho biết, có văn bản hướng dẫn nhưng việc tổ chức thực thi không đúng vẫn dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí khiếu kiện.
“Trong chuỗi triển khai thực hiện luật và các văn bản dưới luật, tất cả các khâu đều đóng vai trò quan trọng, nhưng từng khâu, từng cấp phải thực hiện thật tốt nhiệm vụ được giao để phục vụ người dân, doanh nghiệp”, đại biểu nêu rõ.
Gửi gắm riêng kỳ vọng đến tân Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ tới, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, người đứng đầu có vai trò rất quan trọng, giống như một "thuyền trưởng". “Thuyền trưởng phải biết chèo lái con thuyền, quần tụ tất cả những thành viên để đi cùng hướng. Nếu mỗi người một hướng, rõ ràng con thuyền sẽ quay ngược lại hoặc thụt lùi, thậm chí có thể bị lật. Do đó, Thủ tướng có vai trò rất quan trọng. Người đứng đầu Chính phủ phải có tầm nhìn quyết liệt, quyết đoán hơn, dẫn dắt được mọi người”, đại biểu Đỗ Văn Sinh nêu rõ.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng vào sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu Chính phủ và Chính phủ trong nhiệm kỳ tới. Đại biểu cho rằng, thời gian đầu, Chính phủ mới có thể sẽ gặp một số khó khăn trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành, nhưng với sự giúp đỡ của những đồng chí tiền nhiệm, sự tin tưởng của đồng bào, cử tri cả nước và tất cả các thành viên Chính phủ, sẽ hợp thành sức mạnh tổng hợp để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đất nước vượt qua khó khăn trong điều kiện hiện nay, nhất là ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiền nhiệm, cả nước quyết tâm ngăn ngừa, phòng ngừa đại dịch, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) bày tỏ mong muốn, trong lĩnh vực xây dựng thể chế, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhất Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước khi thông qua. “Thủ tướng, các thành viên Chính phủ cần quyết liệt xử lý việc tham nhũng chính sách. Nếu chỉ một mình Thủ tướng quyết liệt vẫn chưa đủ, lợi ích nhóm vẫn gắn với các bộ, ngành. Do đó, các thành viên Chính phủ phải quyết liệt, nghiêm túc thực hiện, để tạo được sự đồng bộ, giảm lợi ích nhóm”, đại biểu Trần Thị Dung nêu rõ.
Tương tự, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) bày tỏ kỳ vọng vào Chính phủ mới "quyết liệt hơn, thành công hơn", nhưng có sự kế thừa, tiếp bước những kết quả và thành công của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, đặc biệt qua thông điệp "xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân" của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIV. Đại biểu hy vọng, Chính phủ mới sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế liên quan đến công tác xây dựng luật, để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời gian tới.
Cùng với những kỳ vọng vào Chính phủ nhiệm kỳ mới, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh mong muốn, Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ phát huy những kinh nghiệm, thành công trong quá trình công tác để đảm nhiệm thành công vai trò lãnh đạo quan trọng của đất nước. Bằng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao phó, Chủ tịch nước cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng niềm tin với nhân dân, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới.
Nhấn mạnh kỳ vọng tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh mong muốn, Chủ tịch nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; thúc đẩy quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.