7/3 năm nay, Ngày Quốc tế Phụ nữ sẽ được tổ chức trọng thể ở Trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York, bên lề Kỳ họp lần thứ 58 của ủy ban về địa vị của Phụ nữ được tổ chức vào ngày 10/3. Thông điệp của Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm 2014 là “Bình đẳng cho phụ nữ là tiến bộ của tất cả chúng ta”. Thông điệp này, lại một lần nữa hướng sự quan tâm tới vấn đề bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện của các cá nhân và toàn xã hội.
Làn sóng nữ quyền
Ngày 8/3/1857, nữ công nhân lao động ngành dệt may Thành phố New York (Mỹ) đã diễu hành và đình công đòi được cải thiện điều kiện làm việc và đảm bảo quyền bình đẳng cho phụ nữ. Ngày 8/3/1908, cũng tại New York, 15.000 phụ nữ diễu hành đòi giảm giờ làm, tăng lương, đòi quyền được bầu cử và chấm dứt lao động trẻ em.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao giải thưởng KOVA lần thứ 11 cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học ứng dụng. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Năm 1910, Đại hội Phụ nữ thế giới lần thứ 2 tại Đan Mạch công bố lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế Phụ nữ, thể hiện quyết tâm đấu tranh giành quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. Năm 1911, ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức tại các nước Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ với hơn một triệu phụ nữ và nam giới tham gia vào các cuộc biểu tình. Bên cạnh việc đòi quyền bỏ phiếu và nắm giữ các chức vụ công quyền, những người biểu tình còn đòi quyền làm việc cho phụ nữ, quyền được đào tạo, xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ và bình đẳng giới trong lao động.
Về sau, ngày Quốc tế Phụ nữ được phổ biến ở cả các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển, trở thành ngày lễ được ghi nhận và kỷ niệm ở khắp năm châu. Quyết tâm giải phóng phụ nữ, đòi quyền bình đẳng và tiến bộ cho phụ nữ được thể hiện rõ qua phong trào nữ quyền thế giới, cụ thể là ba làn sóng nữ quyền chính.
Trải qua hàng trăm năm, phong trào nữ quyền thế giới vẫn liên tục phát triển, hướng tới mục tiêu giành quyền bình đẳng cho phụ nữ, lên án mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em. Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 hàng năm không chỉ là ngày dành riêng cho nữ giới. Đây cũng chính là cơ hội để xã hội, đặc biệt là nam giới, ghi nhận sự đóng góp của phụ nữ trong các lĩnh vực và đảm bảo quyền lợi hợp pháp và cơ hội bình đẳng cho phụ nữ.
Trung hậu, đảm đang
Tại Việt Nam, kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 thường được kết hợp kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Hình ảnh hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị tiêu biểu cho tinh thần quật khởi, ý chí kiên trung của người Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Tấm gương anh dũng của Hai Bà Trưng và các nữ tướng thời Hai Bà đã được các thế hệ phụ nữ, nhân dân nước ta phát huy, tiếp nối thể hiện trong các cuộc khởi nghĩa, các cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc. Với việc tôn vinh hình ảnh Hai Bà Trưng cùng các nữ anh hùng liệt sĩ, dân tộc ta đã ghi ơn và khẳng định vai trò của người phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Hội LHPN Việt Nam đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ. Các cấp hội phụ nữ đã có nhiều phương thức hoạt động, vận động phụ nữ cả nước phát huy tính năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, vươn lên thực hiện tốt cả hai chức năng “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, nhất là trong lao động sản xuất, giúp nhau xóa đói giảm nghèo với các phong trào “ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, “phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”... Đã có hàng triệu lượt phụ nữ nghèo được hướng dẫn kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, vay vốn hàng chục nghìn tỷ đồng để xóa đói, giảm nghèo, nhiều chị em vươn lên làm kinh tế giỏi, khẳng định vai trò của mình trong gia đình, xã hội. Hơn bao giờ hết, phụ nữ Việt Nam tiếp tục tỏ rõ năng lực và khẳng định mình.
Thời gian qua đại bộ phận cơ quan quản lý hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp nước ta đều có sự tham gia góp mặt của “phái yếu”. Với hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động, phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước. Hiện Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội cao nhất thế giới. Điều này chứng minh những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam phát triển.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa, chiếm khoảng 51% dân số và 48% lực lượng lao động, phụ nữ Việt Nam hiện đang có mặt trên hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, tham gia tích cực vào các hoạt động phát triển kinh tế, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Tỉ lệ phụ nữ tham chính thể hiện ở con số 25% nữ đại biểu Quốc hội, 2 nữ Phó Chủ tịch Quốc hội, 1 nữ Phó Chủ tịch nước, 2 nữ Bộ trưởng và nhiều nữ Thứ trưởng.
Tuy nhiên, trên thực tế, đây đó vẫn tồn tại những biểu hiện của mất bình đẳng giới, vừa khiến phụ nữ bị thiệt thòi, vừa hạn chế cơ hội tham gia và đóng góp tích cực của phụ nữ vào các lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội trong quản lý và tham gia vị trí lãnh đạo, ra quyết định... Những bất cập đó, đã và đang trở thành rào cản làm hạn chế khả năng phát triển của phụ nữ.
Để xóa bỏ những khó khăn trên, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu và nhiệm vụ cách mạng, phấn đấu vì sự nghiệp phát triển, bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ Việt Nam trong thời gian tới, trước hết, công tác quan trọng hàng đầu là nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần thực hiện bình đẳng giới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp.
P.V (tổng hợp)