Ngày giải phóng Khánh Hòa 2/4/1975 và tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trở thành dấu mốc không thể nào quên để từ đó Khánh Hòa hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương.
“Hồi sinh” sau điêu tàn
Nha Trang ngày trước giải phóng rất nghèo nàn, đơn sơ. Khu vực Chợ Đầm, các trục đường chính trong trung tâm nhà cửa lụp sụp. Cầu Bóng chật hẹp, lại bị quân địch đánh phá nên công binh phải khắc phục nhiều giờ liền mới đi lại được. Giờ đây, sau 45 năm, Nha Trang - Khánh Hòa đã thay đổi rất nhiều. Đó là sự so sánh ngắn gọn của Đại tá Nguyễn Quang Lâm, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 (nhân chứng tham gia cuộc chiến giải phóng Nha Trang năm 1975, hiện đã 86 tuổi).
Trải qua 45 năm đổi mới và phát triển, Khánh Hòa đã từng bước khẳng định được vị thế số một của mình trong khu vực. Qua nhiều giai đoạn tìm hướng đi, dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương về tài nguyên, vị trí địa lý, khí hậu và cả việc vận dụng mối quan hệ tổng hòa giữa: "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", tỉnh Khánh Hòa đã chuyển dịch kinh tế theo hướng dịch vụ - du lịch, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp song song với phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm là thành phố Nha Trang, Khu kinh tế Vân Phong, khu vực vịnh Cam Ranh. Thành phố Nha Trang được công nhận là đô thị loại I, thành phố Cam Ranh đô thị loại III, thị xã Ninh Hòa đô thị loại IV. Tỉnh Khánh Hòa đã và đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025.
Thành phố biển Nha Trang đã trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ bậc nhất, thu hút hàng triệu lượt khách quốc tế mỗi năm. Đây cũng là nơi luôn được chọn để tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế. Đáng kể nhất là Festival Biển được tổ chức theo định kỳ 2 năm/lần bắt đầu từ năm 2003, đến nay trở thành lời hẹn thú vị với du khách mỗi khi hè về vào những năm lẻ. Rồi các cuộc thi sắc đẹp trong nước cũng như quốc tế, trong đó có cả cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới được đăng cai tổ chức vào năm 2008. Nha Trang, Khánh Hòa còn là nơi được chọn để tổ chức các sự kiện chính trị, ngoại giao của đất nước như các hội nghị trong khuôn khổ APEC 2017, hay mới đây nhất là Hội nghị hẹp Bộ trưởng ngoại giao ASEAN 2020, mở đầu cho Năm ASEAN do Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, năm 2019 tổng thu ngân sách của tỉnh đạt trên 19 ngàn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,8%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 1,5 tỷ USD. GRDP bình quân đầu người đạt 66,83 triệu đồng. Toàn tỉnh đã có 52,1% số xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Khánh Hòa có hơn 380 km bờ biển với nhiều vịnh, đầm, đảo, bãi cát vàng… tạo nên những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, khó nơi nào sánh kịp. Bên cạnh đó, nơi đây có khí hậu ôn hòa, thời tiết mát mẻ, hầu như nắng ấm quanh năm. Ngoài ra, Khánh Hòa có cơ sở hạ tầng giao thông tương đối hiện đại và đồng bộ, bao gồm cả đường thủy, đường bộ, đường sắt và hàng không. Địa bàn tỉnh hiện có hơn 650 cơ sở du lịch lưu trú với gần 27.000 phòng, trong đó 90 khách sạn từ 3 - 5 sao. Vì vậy, tỉnh Khánh Hòa xác định và đầu tư để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: Năm 2019, Khánh Hòa đã đón gần 7,2 triệu lượt khách du lịch với khoảng 21 triệu ngày lưu trú; khách quốc tế ước đạt 3,6 triệu lượt, tăng 27,5%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 27 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước. Nha Trang - Khánh Hòa đã và đang tiếp tục khẳng định thương hiệu là điểm đến ngày càng thân thiện, hấp dẫn đối với du khách, bạn bè trong nước và quốc tế.
Quyết tâm khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn
Năm 2020, Khánh Hòa đặt ra nhiều chỉ tiêu nhằm đạt được các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế. Cụ thể như: thu ngân sách đạt trên 17 ngàn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,2%, GRDP bình quân đầu người đạt 73 triệu đồng/năm… Đây quả thực là những con số đẹp để kỳ vọng về một bức tranh tươi sáng cho Khánh Hòa.
Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Dễ nhận thấy nhất là ảnh hưởng tới các ngành kinh tế mũi nhọn như dịch vụ, xây dựng, nông lâm, thủy sản. Trong đó, ngành dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng chịu tác động mạnh mẽ, thiệt hại nặng nề. Để khắc phục những khó khăn này, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã giao ngành Du lịch khẩn trương xây dựng đề án khôi phục hoạt động du lịch trên địa bàn.
Đặc biệt là tập trung vào nhóm giải pháp xác định tiềm năng các thị trường trong nước và quốc tế, ưu tiên tập trung thị trường nội địa nhằm khôi phục lượng khách trước mắt. Đối với thị trường quốc tế, ngành phối hợp với các hãng hàng không, chuẩn bị cơ sở vật chất (về ẩm thực, văn hóa, vui chơi, mua sắm) chủ động đón khách quay trở lại. Đồng thời, ngành Du lịch cần nghiên cứu và giải quyết những giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch hoặc đề xuất bộ, ngành Trung ương các giải pháp về tài chính, xuất nhập cảnh, giao thông, quảng bá xúc tiến du lịch.
Theo ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang, Khánh Hòa, các giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt có thể thực hiện ngay như đề xuất ngân hàng cơ cấu nợ mà không bị chuyển nhóm nợ, cho vay thêm để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch; gia hạn thêm thời gian đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 2019, giảm lãi suất ngân hàng, có giải pháp hỗ trợ người lao động trong ngành du lịch thời gian nghỉ không lương. Đây chính là những biện pháp cần thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trước mắt, khắc phục thiệt hại trong thời gian qua và cả 6 tháng tiếp theo.
Để đạt được những mục tiêu đề ra trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, Khánh Hòa tiếp tục triển khai các chương trình hành động thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Trong đó, thực hiện 4 chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm bao gồm chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình phát triển đô thị; chương trình phát triển nhân lực; phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm gồm: thành phố Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh và Khu kinh tế Vân Phong. Dựa trên nền tảng này, sắp tới đây, Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII sẽ tiếp tục đề ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến trình phát triển địa phương.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định, quyết tâm của tỉnh trong thời gian tới là phải xây dựng nhiều kịch bản để ứng phó những khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, tỉnh đặc biệt quan tâm tạo ra môi trường an lành, phát triển kinh doanh du lịch, kêu gọi đầu tư, phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp, tạo điều kiện cho nông nghiệp của tỉnh phát triển. Có như vậy, nguồn thu ngân sách của Khánh Hòa năm nay mới đảm bảo, tạo điều kiện đầu tư phát triển mạnh mẽ và chăm lo các chính sách an sinh xã hội cho nhân dân.