Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo và nhân dân huyện Châu Thành tham dự.
Nhà trí thức yêu nước Nguyễn Thông tên thật là Nguyễn Thới Thông, tiểu danh là Thiệu, tự là Hy Phần, hiệu là Kỳ Xuyên lão nhân, biệt hiệu là Độn Am, sinh ngày 21/7/1827, tại thôn Bình Thanh, tổng Kiến Thạnh, huyện Kiến Hòa (nay thuộc ấp Bình Trị II, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành). Thời niên thiếu, Nguyễn Thông nổi tiếng thông minh, học giỏi. Năm 1849, ông thi đỗ cử nhân khoa Kỷ Dậu tại trường thi Gia Định.
Nguyễn Thông bước vào quan trường với chức vụ đầu tiên là Huấn đạo huyện Phong Phú, tỉnh An Giang, có lúc quyền nhiếp chức vụ Giáo thụ phủ Ba Xuyên. Năm 1856, ông được triều đình triệu ra Huế làm việc tại Nội các, giữ chức Hàn lâm viện tu soạn và được giao nhiệm vụ tham gia biên soạn sách Nhân sự kim giám nhằm giới thiệu những tấm gương tốt ở đời, phục vụ việc giáo dục về đạo lý cho nhân dân.
Trên văn đàn Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Thông là tác giả có tên tuổi với những tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật, học thuật mà chủ đạo là tinh thần yêu nước, thương dân, ưu thời mẫn thế trước tình trạng đất nước đang bị xâm lược, quê hương Nam Bộ bị thực dân Pháp đô hộ. Năm 1883, quân Pháp đánh chiếm Thuận An, buộc triều đình phải ký Hòa ước Harmand. Theo Hòa ước này, tỉnh Bình Thuận được sáp nhập vào Nam Kỳ, đặt dưới quyền trực trị của thực dân Pháp. Đau buồn trước thời cuộc và vận nước suy vong, Nguyễn Thông lâm bệnh nặng và từ trần ngày 27/8/1884, thọ 57 tuổi. Sau khi từ trần, theo di nguyện, ông được an táng ở núi Cố (nay thuộc phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích quốc gia năm 1999.
Di sản văn chương của Nguyễn Thông được xếp về loại thơ văn yêu nước. Các tác phẩm tiêu biểu như: Ngọa Du Sào thi văn tập, Độn Am văn tập, Kỳ Xuyên văn sao, Kỳ Xuyên văn độc, Việt sử cương giám khảo lược, Nhân sự kim giám, Dưỡng chính lục.
Tại lễ kỷ niệm, ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm kế thừa, phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của ông như: Sưu tầm, dịch thuật và giới thiệu tác phẩm Nguyễn Thông; xây dựng bia kỷ niệm tại xã Phú Ngãi Trị - nơi chôn nhau cắt rốn của ông; lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - Thông tin (nay Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng Khu lưu niệm Nguyễn Thông tại Phú Ngãi Trị là Di tích quốc gia…
Dịp này, tỉnh Long An khánh thành nhà trưng bày Khu lưu niệm Nguyễn Thông. Việc đầu tư xây dựng Khu lưu niệm Nguyễn Thông bước đầu đáp ứng được nguyện vọng của Đảng bộ, nhân dân địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Lãnh đạo tỉnh Long An mong muốn, Khu di tích hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ trở thành địa chỉ quan trọng cho việc đáp ứng yêu cầu du khảo, du lịch, về nguồn và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.