Ba Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Những năm trước, 3 Chương trình này gặp nhiều vấn đề về chậm giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, kết quả năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024 tình hình có nhiều chuyển biến. Tại Phiên họp thứ 5 này, đa số các địa phương đều cam kết giải ngân 100% vốn đầu tư công các chương trình trong năm nay.
Theo báo cáo, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, hiện cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã; có 280 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%.
Về kết quả giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn ngân sách nhà nước trong năm 2023 (bao gồm cả nguồn vốn năm 2022 chuyển sang năm 2023) đạt khoảng 61,5%. Trong 2 tháng đầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương ước đạt 15%.
Năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương đã cơ bản được ban hành đầy đủ. Công tác lập kế hoạch, phân bổ vốn cơ bản thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội, kết quả giải ngân nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia đã có nhiều tiến triển so với các năm trước.
Các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương đã tăng cường kiểm tra, giám sát; theo dõi sát sao tiến độ giao kế hoạch vốn, giải ngân của các địa phương; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương hướng xử lý; sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn thực hiện, làm rõ một số nội dung theo đề nghị của địa phương.
Quốc hội mới ban hành Nghị quyết số 111/2024/QH15 (ngày 18/1/2024) về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tại phiên họp, các bộ, ngành, địa phương đã làm rõ những kết quả, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia; kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn; một số chỉ tiêu cụ thể trong thực hiện giảm nghèo bền vững còn thấp, chưa thực sự bền vững...
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo Trung ương đã quyết liệt nhiều giải pháp trong chỉ đạo, điều hành để thúc đẩy việc triển khai, thực hiện và giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, yêu cầu các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, dù đã đạt được những kết quả quan trọng khi từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn cần sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, từ năm 2024, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đã có hành lang pháp lý đối với những vấn đề đặc thù. Đó là Nghị quyết 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Do đó, các địa phương chủ động rà soát tất cả các văn bản liên quan, có những vấn đề vướng mắc, khó khăn thì tiếp tục kiến nghị để điều chỉnh cho phù hợp. Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, phải triển khai các chương trình trên tinh thần quyết liệt, chủ động; lấy tính hiệu quả của các chương trình làm mục tiêu hàng đầu chứ không chỉ chú trọng vấn đề giải ngân các nguồn vốn…
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương tập trung chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát việc quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 theo địa bàn được phân công; kịp thời phát hiện bất cập, vướng mắc, đề xuất với Ban Chỉ đạo Trung ương và các cơ quan chủ quản các Chương trình mục tiêu quốc gia để có biện pháp giải quyết.
Các bộ, cơ quan Trung ương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Các cơ quan chủ quản chương trình và các bộ, cơ quan Trung ương chủ động đôn đốc, hướng dẫn và ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét tháo gỡ trong quá trình triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
UBND các tỉnh, thành phố rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo thẩm quyền các quy định, cơ chế, chính sách về nội dung còn thiếu hoặc chưa phù hợp, nhất là các quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đầu tư và sử dụng các nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, kéo dài để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ...