Tối 13/1, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp mặt kiều bào mừng Xuân Canh Tý 2020.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân; bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đến dự và và chúc Tết kiều bào và thân nhân kiều bào đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Thành Phong ghi nhận, đánh giá cao những tình cảm, sự nỗ lực của kiều bào. Dù ở đâu, làm gì, trong trái tim của mỗi kiều bào đều dành những tình cảm tốt đẹp, chân thành cho quê hương, luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước và Thành phố. “Có thể khẳng định, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chính là cầu nối hữu hiệu cho việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các nước, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Điều này một lần nữa khẳng định: Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”, Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Thông tin về tình hình kinh tế, xã hội thành phố, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, năm 2019 mức tăng trưởng của Thành phố ổn định và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện. Cụ thể, tổng sản phẩm (GRDP) đạt hơn 1,34 triệu tỷ đồng; cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh. Năng suất lao động năm 2019 của thành phố ước đạt 299,8 triệu đồng/người; hoạt động thu ngân sách thành phố đạt 410.295 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 12%; khách quốc tế đến thành phố đạt 8,5 triệu lượt, tăng 14%; tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 35% so GRDP; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 8,3 tỷ USD...
Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, trong thành quả ấy, có sự đóng góp rất quan trọng của kiều bào trên nhiều lĩnh vực khác nhau. "Điều đó được dẫn chứng qua việc hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn; gần 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường đại học, khu Công nghệ cao, các bệnh viện; khoảng 3.000 công ty có vốn đầu tư của kiều bào được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng vốn điều lệ hơn 45.000 tỷ đồng. Đặc biệt, mỗi năm có khoảng 30.000 người Việt trẻ ở nước ngoài về thăm quê, tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh bằng các dự án khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh", ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Năm 2020, Thành phố xác định chủ đề là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Bên cạnh việc tập trung hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2020, Thành phố sẽ tăng cường đầu tư cho việc nâng chất các hoạt động và xây dựng thiết chế văn hoá nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sống của người dân Thành phố.
Về dự họp mặt, nhiều kiều bào Việt Nam cũng ghi nhận diện mạo của Thành phố Hồ Chí Minh thay đổi từng ngày, từng tháng; môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, nhiều cơ chế chính sách được thực thi tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội thành phố phát triển, chất lượng đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Một số kiều bào cũng đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo thành phố về công tác quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị đã có những chuyển biến tích cực và ngày càng văn minh, hiện đại; lĩnh vực văn hóa - xã hội đã có nhiều tiến bộ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và quốc phòng an ninh được đảm bảo.
Vì lẽ đó, ông Nguyễn Công Chính, doanh nhân kiều bào Đức đã và đang đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, nhà máy sản xuất kính và nhôm theo tiêu chuẩn của Đức. Theo ông Nguyễn Công Chính, các sản phẩm của nhà máy đảm bảo chất lượng quốc tế, tuy nhiên giá thành rất phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam. Điều ông trăn trở nhất là làm sau để ngày càng nhiều kiều bào Việt Nam hiểu và nhận thấy những thay đổi lớn tại Việt Nam để mang nguồn vốn về đầu tư. Đặc biệt, những chính sách mới, sự thiện chí, quan tâm của lãnh đạo Thành phố sẽ là nguồn động viên, khích lệ để kiều bào tiếp sức, đầu tư, cùng tham gia đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.
Tương tự, bà Dương Thị Kim Dung, Việt kiều Mỹ ở tiểu bang North Carolina về Việt Nam từ năm 2008 và làm ăn, sinh sống tại Quận 3 cho biết, việc trở về trước hết là mong cải thiện đời sống kinh tế cho người thân và gia đình; sau là góp phần vào việc xây dựng thành phố, đất nước ngày càng phát triển. Bà Dương Thị Kim Dung cho rằng, việc nhìn nhận kiều bào là một bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam là một chính sách đúng đắn của Nhà nước về kiều bào; cộng thêm những chủ trương, chính sách ngày càng đổi mới, cởi mở đã thu hút không ít kiều bào trở về gắn bó với quê hương, đất nước. "Riêng bản thân, tôi luôn có ước nguyện là xin dành trọn phần đời còn lại cho công tác xã hội, chia sẻ yêu thương với những đồng bào còn nhiều khó khăn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, học sinh hiếu học hoặc những mảnh đời bất hạnh… như đã và đang làm hơn 10 năm nay", bà Dương Thị Kim Dung chia sẻ.
Theo Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2019, có hơn 425.500 lượt kiều bào nhập cảnh qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất; lượng kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh là 5,6 tỉ USD. Hiện, có khoảng 3.000 doanh nhân kiều bào đầu tư tại thành phố với tổng số vốn khoảng 45.000 tỷ đồng. Riêng trong năm 2019 có 34 doanh nghiệp do người Việt Nam ở nước ngoài mới thành lập, với tổng số vốn hơn 122 tỷ đồng.