Thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật
Về lĩnh vực xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, pháp chế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là trong việc chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để kịp thời thể chế hóa những định hướng chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành. Bộ tiếp tục tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp.
Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị về Chương trình năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024, Báo cáo tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Đất đai... Đồng thời, phối hợp với Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành và tổ chức kiểm tra công vụ tại các bộ có nhiều văn bản chậm, nợ ban hành.
Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo Chính phủ về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ và phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật; công khai tình hình soạn thảo và chậm, nợ ban hành văn bản; thường xuyên có văn bản đôn đốc công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh; tổ chức các buổi làm việc, kiểm tra liên ngành và tổ chức các cuộc họp với các bộ, cơ quan ngang bộ nhằm trao đổi, thảo luận, đề ra các biện pháp xử lý một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác.
Theo đó, từ đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ ban hành 49 văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực (21 nghị định, 2 quyết định, 26 thông tư). Tính đến ngày 23/4/2024, đã ban hành được 36 văn bản (17 nghị định; 19 thông tư), còn nợ ban hành 13 văn bản (4 nghị định, 2 quyết định, 7 thông tư) quy định chi tiết 6 luật, nghị quyết đã có hiệu lực.
Nhiều án hành chính có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành
Liên quan đến việc thi hành án hành chính, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, lãnh đạo Bộ thường xuyên làm việc trực tiếp, trực tuyến với các cơ quan thi hành án dân sự để đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Trong 6 tháng (từ 1/10/2023 đến hết tháng 3/2024), theo báo cáo, Tòa án nhân dân các cấp đã chuyển giao cho các cơ quan thi hành án dân sự 1.387 bản án, quyết định hành chính.
Các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện theo dõi 1.387 bản án, quyết định; với số cũ chuyển sang là 776 việc, số tiếp nhận mới là 611 việc. Kết quả, các cơ quan hành chính đã thi hành xong 400 việc, tăng 184 bản án so với cùng kỳ năm 2023.
Về tồn tại, hạn chế trong thi hành án hành chính, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, việc tham gia tố tụng của Chủ tịch UBND hoặc người được Chủ tịch UBND ủy quyền theo Luật Tố tụng hành chính chưa nghiêm túc. Nhiều vụ việc, người bị kiện là các cơ quan hành chính Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan hành chính Nhà nước chưa thực hiện nghiêm quy định về việc tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa, cung cấp tài liệu, chứng cứ và bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước trước tòa án.
Đáng chú ý, theo báo cáo, nhiều bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành xong. Trong đó, không ít bản án người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc đã tồn đọng nhiều năm nhưng chưa được tổ chức thi hành dứt điểm.
Báo cáo chỉ rõ, nhiều vụ việc Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án, Viện kiểm sát đã kiến nghị, cơ quan thi hành án cũng đôn đốc, kiến nghị xem xét trách nhiệm. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào người phải thi hành án là cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước bị xem xét, xử lý trách nhiệm do chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án.
Một số địa phương chưa nghiêm túc
Về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính ở một số địa phương vẫn chưa nghiêm túc. Với những bản án có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành, nhiều địa phương chưa có phương án để giải quyết dứt điểm.
Đặc biệt, có những bản án thuộc trách nhiệm thi hành của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh nhưng một số địa phương chưa tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành để tháo gỡ hoặc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo giải quyết của cấp có thẩm quyền. Việc tham gia tố tụng của Chủ tịch UBND hoặc người được Chủ tịch UBND ủy quyền chưa thực hiện nghiêm túc.
Mặt khác, cơ chế thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành là cơ chế "tự thi hành". Do vậy, kết quả thi hành án hành chính phụ thuộc rất lớn vào việc tự nguyện thi hành của các cơ quan, người có thẩm quyền phải thi hành án.
Đề cập đến giải pháp, ông Lê Thành Long cho biết, bên cạnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính, Bộ Tư pháp sẽ tham mưu làm việc và kiểm tra liên ngành về công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành hành chính và thi hành án hành chính tại các địa phương có số lượng vụ việc thi hành án hành chính lớn, phức tạp, kéo dài. Đồng thời, làm rõ nguyên nhân, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp chậm thi hành hoặc không thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong đánh giá, đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, bất cập có liên quan của các quy định pháp luật về tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng hành chính; các quy định về quản lý, xử lý vật chứng, tài sản, giám định tư pháp, định giá tài sản... để giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành án hành chính.