Ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng, Cơ quan Đại diện Bộ Nội vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh đồng tình với đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhìn chung, đội ngũ cán bộ nước ta có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện; trình độ, năng lực được nâng lên, phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhìn nhận, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Theo ông Diệp Văn Sơn, về cơ bản, những định hướng công tác nhân sự lần này cũng tương đồng với Đại hội XIII của Đảng. Tiêu chuẩn đề ra là không để những người có khuyết điểm lọt nhân sự cấp cao của Đảng nhưng có một số trường hợp chúng ta chuẩn bị kỹ, xem xét kỹ vẫn để xảy ra trường hợp đáng tiếc. Đó là khi nhân sự đó ở vị trí cấp cao rồi mới xấu.
Ông Diệp Văn Sơn cho rằng, quyền lực làm người ta tha hóa. Khi ai cũng như nhau, họ đều phấn đấu và không bộc lộ điều xấu nhưng khi đạt được địa vị cao thì bắt đầu tha hóa. Ở vị trí không ai kiểm tra nữa, không ai kiểm soát quyền lực, dẫn đến mất tập trung dân chủ như trường hợp một số Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh vi phạm vừa qua. Kiểm soát quyền lực cán bộ cấp cao ở địa phương còn chưa tốt, không ai dám ý kiến với lãnh đạo cấp cao ở tỉnh. Bởi vì ở đó (địa phương) xa mặt trời, trong khi cơ quan kiểm soát quyền lực địa phương cũng do những người đứng đầu chi phối.
“Đó không phải trường hợp cá biệt bởi đã xảy ra một số nơi, nên chúng ta phải có biện pháp khác để xử lý, không thể dùng hình thức cũ để kiểm soát. Con “vi khuẩn” nó cũng biến đổi để né vaccine, nên chúng ta phải đổi mới. Chúng ta chuẩn bị nhân sự rất kỹ, nhưng lại không ngờ thay đổi, biến chất”, ông Diệp Văn Sơn nhận xét.
Trong khi đó, cựu chiến binh Lã Hữu Vĩnh (Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, tại Phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, bài phát biểu của Tổng Bí thư như một bài tổng kết về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cán bộ cùng những quan điểm nhất quán, đúng đắn và khoa học của Đảng ta đối với công tác cán bộ mang tính lâu dài chứ không chỉ trong công tác nhân sự Đại hội XIV.
Theo ông Lã Hữu Vĩnh, Tổng Bí thư đã khẳng định: Cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định; công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đồng thời, Tổng Bí thư đưa ra những tổng kết về vai trò quan trọng của công tác cán bộ đối với thực tế cách mạng nước ta, giúp đất nước ta cũng những bước phát triển quan trọng, có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hiện nay.
Ông Lã Hữu Vĩnh đặc biệt tâm đắc với những chỉ đạo sâu sát, cụ thể của Tổng Bí thư về nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng, trong đó nêu bật những yêu cầu trọng yếu trong xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV. Ban Chấp hành Trung ương Đảng là cơ quan nắm giữ nhiệm vụ quan trọng, nơi đưa ra những quyết định trọng đại của đất nước có ý nghĩa thúc đẩy sự tăng tiến của đất nước. Việc xây dựng Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải là một một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất cao ý chí và hành động… là một yêu cầu mang tính nguyên tắc và khoa học, đảm bảo cho những thành công của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, theo ông Lã Hữu Vĩnh, từ thực tế công tác cán bộ thời gian qua còn xảy ra nhiều vấn đề như còn tình trạng cán bộ vi phạm pháp luật... Do vậy, yêu cầu của Tổng Bí thư về những tiêu chuẩn của cán bộ là định hướng chung cho các cấp ủy, ngành, địa phương trong công tác cán bộ là phải lựa chọn khách quan, chính xác những nhân tố “vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc”.
Ông Lã Hữu Vĩnh cho rằng, từ những chỉ đạo của Tổng Bí thư cùng thực tế hiện nay, trong công tác cán bộ cần quan tâm đến tiêu chí cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ càng cao thì càng phải gương mẫu phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của cách mạng, của đất nước, của nhân dân lên trước hết. Để trở thành cán bộ, mỗi cá nhân phải luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; quá trình phấn đấu vươn lên bằng trí tuệ, năng lực, nhân cách của mình, không cơ hội chính trị, không chạy chức, chạy quyền, tham vọng quyền lực, lợi dụng chức quyền để tư lợi cho riêng mình, cho gia đình mình.