Khẳng định tầm quan trọng chiến lược của quan hệ Việt - Pháp

Nhận lời mời của Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân sẽ thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 24-26/9/2013.

Pháp là cường quốc kinh tế lớn thứ 5 thế giới, đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu dịch vụ. Pháp có số lượng doanh nghiệp rất lớn, trong đó có doanh nghiệp hàng đầu thế giới và có truyền thống lâu đời trong phát minh công nghiệp, hệ thống giáo dục chất lượng cao, đội ngũ nghiên cứu trình độ cao; đầu tư nhiều cho công tác nghiên cứu-phát triển; năng suất lao động thuộc loại hàng đầu thế giới.

Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ ngày 12/4/1973. Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam và Pháp tăng cường quan hệ nhiều mặt. Pháp bắt đầu hỗ trợ Việt Nam trong quá trình khôi phục đất nước. Đỉnh cao quan hệ là chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào tháng 4 năm 1977.

Giao diện chuyên trang Việt - Pháp (viet-phap.vn) trên trang thông tin điện tử vietnam.vn. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN


Việt Nam và Pháp đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Về phía Pháp, đã có 3 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Pháp sang Việt Nam gồm: chuyến thăm của Tổng thống Mitterrand vào năm 1993, Tổng thống Chirac năm 1997 và 2004, Thủ tướng Fillon năm 2009. Về phía Việt Nam có các chuyến thăm Pháp của: Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu năm 2000, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh năm 2005, Chủ tịch nước Trần Đức Lương năm 2002, Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 1993, Thủ tướng Phan Văn Khải năm 1998 và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2007...

Quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Pháp đã được mở rộng và phát triển trên mọi lĩnh vực. Hai bên có nhiều cơ chế hợp tác như: Đối thoại chiến lược an ninh quốc phòng giữa hai Bộ Ngoại giao và Quốc phòng; Ủy ban hỗn hợp về hợp tác quốc phòng; Đối thoại thường niên cấp cao về kinh tế; Hội nghị hợp tác phi tập trung… Hai bên hợp tác tốt tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN-EU và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.

Về kinh tế, Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch thương mại năm 2012 đạt 3,2 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước đó. 6 tháng năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 1,599 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là giày dép, dệt may, đồ gia dụng, thủy sản và máy móc thiết bị, linh kiện điện tử và nhập khẩu từ Pháp tập trung chủ yếu là thiết bị hàng không, dược phẩm, sản phẩm cơ khí, sản phẩm điện tử, hóa chất và đồ uống có cồn.

Tính đến hết cuối năm 2012, Pháp là nhà đầu tư châu Âu hàng đầu với tổng số vốn đăng ký đạt trên 2,5 tỷ USD. Đáng chú ý, tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ quốc tế cho Việt Nam tháng 12/2012, Pháp đã cam kết tài trợ 340 triệu USD cho Việt Nam trong năm 2013. Theo tinh thần Tài liệu khung về quan hệ đối tác Việt Nam – Pháp giai đoạn 2006-2010 (ký ngày 15/9/2006), Pháp ưu tiên hỗ trợ Việt Nam vào 5 lĩnh vực là: xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, công nghiệp và tài chính.

Đến nay, Pháp đã cấp cho Việt Nam vay ưu đãi với tổng số vốn đạt 2,2 tỷ euro. Trước đây, các dự án thường có mức vốn trung bình (tối đa 55 triệu euro/dự án). Nay Pháp cam kết mức vốn lớn tới 280 triệu euro/dự án và quan tâm nhiều đến các dự án hạ tầng quy mô lớn. Một số dự án trọng điểm là dự án vệ tinh nhỏ VNREDSAT1 (57,8 triệu euro), trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội (100 triệu euro), tầu điện ngầm Hà Nội (280 triệu euro)...

Hợp tác hai nước trong các lĩnh vực khác như quốc phòng, an ninh, giáo dục đào tạo, y tế, pháp luật, nông nghiệp, môi trường…. cũng phát triển tích cực. Hai bên đã thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác quốc phòng cấp Thứ trưởng. Pháp coi hợp tác giáo dục-đào tạo với Việt Nam là lĩnh vực ưu tiên, tập trung vào giảng dạy tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực kinh tế, luật, công nghệ mới. Hai bên đang hợp tác xây dựng trường Đại học công nghệ Hà Nội thành một trường đẳng cấp quốc tế. Hiện có khoảng 7.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Pháp.

Hợp tác văn hóa giữa hai nước cũng rất đa dạng và phong phú. Pháp coi Việt Nam là ưu tiên hàng đầu ở châu Á và ưu tiên thứ 3 thế giới trong chính sách hợp tác văn hóa và khoa học-kỹ thuật…Chính phủ Pháp dành ưu tiên hỗ trợ cho chính sách hội nhập văn hóa của Việt Nam với phương châm khẳng định, tôn trọng sự đa dạng văn hoá Việt Nam. Hằng năm, Chính phủ Pháp dành khoảng 5 triệu euro cho ngân sách hợp tác văn hóa với Việt Nam, cụ thể là hỗ trợ hoạt động của các trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace), TP. Hồ Chí Minh (Viện trao đổi văn hóa Pháp – IDECAF), Huế và Đà Nẵng.

Hiệp định giữa hai Chính phủ về các Trung tâm Văn hóa được ký kết (tháng 11/2009) tạo cơ sở và điều kiện cho hoạt động của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Paris, một trong 2 trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Liên hoan nghệ thuật Festival Huế được tổ chức lần đầu vào tháng 4/2000 với sự tài trợ và tham gia tích cực của Pháp (là đối tác đầu tiên của Festival Huế) đã trở thành một hoạt động văn hóa quốc tế, được tổ chức 2 năm một lần. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được mời tham gia vào nhiều lễ hội văn hóa nghệ thuật tại Pháp (Lễ hội nghệ thuật Avignon , Lễ hội Biển quốc tế Brest …).

Pháp đứng thứ 7 trong các nước, vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, với 14 dự án tổng trị giá 188 triệu USD. Việt Nam xác định Pháp là thị trường khách trọng điểm. Du lịch Việt Nam đã tham gia và tổ chức một số hoạt động xúc tiến tại Pháp như "Việt Nam – Hoài niệm", Hội báo nhân đạo Hội chợ Top Resa, Hội chợ du lịch tại đảo Réunion (Pháp) và Salon Mondial tại Paris. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đồng ý về chủ trương mở Văn phòng đại diện Cơ quan du lịch quốc gia tại Pháp.

Tri thức là thế mạnh của cộng đồng người Việt tại Pháp. Hiện có khoảng 40.000 Việt kiều có trình độ đại học hoặc trên đại học thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, chiếm 12% trong cộng đồng người Việt Nam tại Pháp.

Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Pháp, đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu, thành viên G8 và là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhằm khẳng định tầm quan trọng chiến lược của quan hệ Việt Nam và Pháp, góp phần làm sâu sắc và đưa mối quan hệ hai nước lên tầm cao mới, nâng cao vị thế của Việt Nam ở châu Âu. Trong chuyến thăm này, hai bên sẽ thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế đi vào chiều sâu, tạo đột phá về thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục.


Hoàng Thị Hoa
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Pháp và dự Đại hội đồng LHQ

Ngày 23/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 24 - 26/9 và tham dự Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 tại Hoa Kỳ từ ngày 26 - 28/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN