Liên quan đến vụ việc nguồn phóng xạ của Nhà máy thép Pomina 3 (đóng tại Khu công nghiệp Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bị mất, ngày 6/4, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã họp khẩn với các cơ quan chức năng của tỉnh, Công ty Cổ phần Thép Pomina (chủ đầu tư Nhà máy thép Pomina 3) để triển khai các giải pháp nhanh chóng truy tìm nguồn phóng xạ đã bị mất.
Hình ảnh cục phóng xạ bị mất (có trọng lượng khoảng 7 kg).
|
Đoàn chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ do ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân làm Trưởng đoàn cũng đã dự họp và mang theo nhiều thiết bị dò tìm phóng xạ từ Hà Nội vào để hỗ trợ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tại cuộc họp, ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung thực hiện các biện pháp như: Dùng thiết bị dò tìm tại Nhà máy thép Pomina 3, kể cả ở các điểm thu mua phế liệu; điều tra các khả năng có thể xảy ra. Công ty Cổ phần Thép Pomina tổ chức họp thông báo tới toàn bộ cán bộ nhân viên và thưởng cho ai cung cấp thông tin để tìm nguồn phóng xạ bị mất. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần thông báo rộng rãi bằng hình ảnh nguồn phóng xạ bị mất, cảnh báo nguy hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết.
Đại diện các cơ quan chức năng tại buổi họp.
|
Được biết, nguồn phóng xạ bị mất là loại Co-60 (Nguồn phóng xạ thuộc nhóm 4) do Công ty Cổ phần thép Pomina nhập về từ năm 2010 dùng để đo mức thép lỏng trên dây chuyền lò đúc số 3, trong tổng số 5 dây chuyền của Nhà máy. Theo đại diện Công ty Thép Pomina, ngày 25/3/2015, Công ty thực hiện bàn giao công tác quản lý về an toàn bức xạ từ ông Đào Đức Hùng cho ông Nguyễn Văn Út thì ông Út đã phát hiện mất nguồn phóng xạ trên. Ngày 1/4, Công ty đã trình báo Công an Đồn Khu công nghiệp và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh.
Theo ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ), nguồn phóng xạ Co-60 bị mất có hoạt độ phóng xạ hiện tại khoảng 2,33 mCi. Ở khoảng cách tiếp xúc 10 cm, nguồn phóng xạ này có thể gây ra liều chiếu xạ khoảng 2,5 mSv/giờ, trong khi liều chiếu xạ cho phép đối với một người bình thường trong 1 năm chỉ là 1 mSv. Như vậy, nếu người dân vô tình tiếp xúc trực tiếp lâu dài với nguồn phóng xạ này sẽ nguy hiểm cho sức khỏe.
Tin, ảnh: Đoàn Mạnh Dương (TTXVN)