Khắc phục tình trạng sinh viên ra trường thiếu việc làm

Sinh viên ra trường và nỗi lo thất nghiệp - một vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay, gây bức xúc trong xã hội là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại Quốc hội ngày 16/11.

Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) nêu thực tế: Hiện có 191.000 sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm. Nhưng ở các địa phương cũng có rất nhiều các trường đại học, các trường này vẫn tiếp tục đào tạo, gây mất cân đối cung cầu. Bên cạnh đó, sinh viên ra trường không có việc làm, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng này, có nên tiếp tục đào tạo như vậy không? Đây cũng là quan tâm của đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa).

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Khẳng định đây là điều Bộ Giáo dục và Đào tạo đang băn khoăn, trăn trở, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: Theo thống kê của Bộ, khoảng 80% sinh viên ra trường có việc làm. Số sinh viên tìm được việc làm ngay rơi vào các trường top trên còn phần lớn sinh viên không tìm được việc làm do tốt nghiệp ở các trường có chất lượng yếu kém, trường mới thành lập.


Đây là vấn đề đang đặt ra và Bộ đang cố gắng sửa trong thời gian tới. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung điều chỉnh mạng lưới các trường đại học; áp dụng chuẩn đảm bảo chất lượng trường và ngành những trường mới mở, hỗ trợ theo hướng thành phân hiệu hoặc thành trường thành viên của các trường đại học lớn. Mục tiêu là hướng tới là quy hoạch lại mạng lưới, hình thành nhóm các loại trường chất lượng.


Bên cạnh đó, Bộ sẽ "siết" chặt đầu ra và đầu vào Đại học, Cao đẳng. Bộ đã chỉ đạo các trường phải báo cáo số lượng sinh viên tốt nghiệp. Nếu trường nào không báo cáo hoặc có số sinh viên không có việc làm cao, Bộ sẽ có giải pháp để hạn chế.


Chưa hài lòng với câu trả lời này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) tranh luận, đề nghị Bộ trưởng làm rõ nội dung quy hoạch đào tạo gắn với nhu cầu thực tế hay chưa? Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với vấn đề này.


Nhận trách nhiệm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Chất lượng phụ thuộc nhiều yếu tố trong và ngoài nhà trường. Với trách nhiệm được giao, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung giải pháp đào tạo sinh viên đáp ứng nhu cầu của thị trường; phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp để có hình thức đào tạo bổ sung; đẩy mạnh phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong triển khai khung hệ thống giáo dục công dân.


Bộ trưởng khẳng định: Cần quy hoạch lại hệ thống các trường để cung - cầu giống nhau; nâng cao chất lượng các trường Đại học, Cao đẳng, giáo viên, cơ sở tài chính, quản trị. Đồng thời, cần có dự báo về thị trường lao động, bởi căn cứ vào công tác dự báo thị trường lao động căn cứ vào nhu cầu, phụ huynh, học sinh mới có thể lựa chọn được ngành học phù hợp. Tuy nhiên, đây là công việc chưa làm tốt, trong đó có một phần trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.


Thời gian tới, Bộ sẽ nỗ lực làm tốt hơn, đặc biệt là phối hợp tốt với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ ngành khác để quy hoạch để làm tốt công tác dự báo thị trường lao động.

Phúc Hằng - Xuân Tùng (TTXVN)
Thất nghiệp nhưng... ngại  học nghề
Thất nghiệp nhưng... ngại học nghề

Đa số lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp ở Đồng Nai là người chưa qua đào tạo, làm các nghề như may mặc, giày da. Thiếu trình độ là nguyên nhân chính khiến số lao động này không tìm được việc làm ổn định với thu nhập cao. Thế nhưng khi được Nhà nước hỗ trợ học nghề họ lại từ chối bởi nhiều lý do.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN