Khắc phục tình trạng giải cứu nông sản

Những giải pháp để chuyển đổi nông sản khi được mùa - mất giá hay được giá - mất mùa; trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong giải cứu nông sản... là những vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra trong phiên chất vấn sáng 6/11.

Tập trung chế biến sâu

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đại biểu Ngô Thanh Danh (Đắk Nông) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường về giải pháp phục hồi hay chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Đề cập đến việc hàng năm phải giải cứu các mặt hàng nông sản, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm. “Để không phụ lòng cử tri, Bộ trưởng có dám cam kết tình trạng trên sẽ được khắc phục trong nhiệm kỳ của mình", đại biểu chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, những năm gần đây, Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Về tổng thể, kinh tế nông nghiệp đang đi theo chiều hướng tích cực. Tổng diện tích đất canh tác cả nước chỉ có 10 triệu ha nhưng Việt Nam đã tạo ra được mức sản xuất 45 triệu tấn lương thực, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá. Một số loại cây công nghiệp đứng đầu thế giới về sản lượng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bất cập lớn nhất hiện nay là khâu chế biến và tổ chức thương mại, nếu không cải thiện được, không thể khắc phục được tình trạng được mùa mất giá. “Ở Tây Nguyên có 5 triệu ha đất, có 5 cây công nghiệp chủ lực, nhưng giai đoạn trước phát triển quá nóng. Riêng Việt Nam, sản lượng hồ tiêu đã là 350.000 tấn, chiếm đến 60% sản lượng của thế giới, như vậy là quá thừa”, Bộ trưởng dẫn chứng.

Do vậy, trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng cần tổng rà soát lại, phát triển lợi thế của địa phương; đặc biệt việc tổ chức liên kết sản xuất; tập trung vào khâu chế biến, nhất là chế biến sâu và tổ chức thị trường... “Cây tiêu chỉ dừng ở mức độ nào, chứ không thể đến mức 150.000 ha, bởi theo quy hoạch đến năm 2020 chỉ có 55.000 ha. Những diện tích không hiệu quả, canh tác kém phải giảm, nhường chỗ cho cây chủ lực khác”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ.

Chú thích ảnh
 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Về tình trạng “được mùa, mất giá”, giải cứu nông sản, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, về tổng thể, Việt Nam đã khắc phục được với các sản phẩm quốc gia, nhưng với sản phẩm địa phương vẫn còn hiện tượng này.

"Có thể đại biểu sẽ chất vấn tôi về chuyện giải cứu thanh long, dưa hấu... Ở từng thời điểm, các mặt hàng này vẫn gặp hiện tượng rớt giá. Nhưng để giải quyết, lãnh đạo địa phương sẽ làm tốt nhất vì sâu sát với cơ sở", Bộ trưởng nêu rõ và thông tin thêm, vừa qua lãnh đạo các tỉnh Bắc Giang, Sơn La... đã cùng người nông dân bán nông sản thông qua các chương trình kết nối tiêu thụ.

"Nếu tất cả cùng đồng hành, tôi tin không chỉ sản phẩm quốc gia mà nông sản địa phương cũng sẽ tiêu thụ tốt", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ lo lắng khi Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, khâu tổ chức sản xuất không còn là số một. Theo đại biểu Tâm, khâu tổ chức sản xuất luôn phải là khâu gốc, được quan tâm nhiều nhất. Tổ chức sản xuất không tốt, lấy đâu ra sản phẩm để bán. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ quan điểm trong vấn đề này.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải thích: “Trong điều kiện hiện nay, tôi muốn nhấn mạnh là khâu tìm kiếm thị trường và khâu chế biến là việc cần tập trung để phát triển, chứ không phải coi nhẹ khâu tổ chức sản xuất”.

Rà soát nhóm cây công nghiệp

Chú thích ảnh
 Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu quan điểm: Vùng Tây Nguyên có cây cà phê, cao su được người dân trồng theo phong trào “cà phê và cao su nhân dân”. Cà phê trồng theo phong trào rất bấp bênh. Qua tiếp xúc cử tri, bà con bày tỏ muốn được trợ giá. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về đề xuất này”, đại biểu Tô Văn Tám chất vấn.

Đây cũng là vấn đề mà đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) quan tâm.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, những vấn đề đại biểu đưa ra cần được giải quyết bằng nhóm giải pháp căn cơ và dài hạn. Diện tích cà phê của Việt Nam hiện lên đến 680 nghìn ha, với sản lượng rất cao. Trong khi đó, thế giới đang khủng hoảng về cung - cầu, cung vượt cầu. Do đó, theo Bộ trưởng, cần tổng rà soát theo ba nhóm giải pháp lớn, trong đó diện tích già cỗi, canh tác kém, năng suất thấp kiên quyết cải tạo, thay thế.

Nhóm giải pháp thứ hai, theo Bộ trưởng, “không gì bằng tập trung chế biến” vì lượng nông sản được chế biến chiếm 12% tổng sản lượng nông sản nhưng đem lại 20% giá trị. “Đầu tư chế biến sẽ tạo chuỗi giá trị sản xuất khép kín, có chế biến mới rải vụn sản phẩm, không có tình trạng tập trung chào bán trong một thời điểm”, Bộ trưởng

Riêng đối với cây cà phê, Bộ trưởng cho biết, sẽ tiến hành đồng bộ giải pháp, rà soát diện tích cây nào già cỗi sẽ tái canh; sản xuất hữu cơ, thân thiện với môi trường; tập trung chế biến sâu bằng thực hiện các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Về cây cao su, chia sẻ với khó khăn của bà con, Bộ trưởng nêu rõ, loại cây này sẽ còn một thời kỳ giảm giá. Bởi từ nay đến năm 2050, thế giới có xu hướng kết thúc năng lượng hóa thạch, chuyển sang một dạng năng lượng văn minh hơn là năng lượng tái tạo. Cùng với việc gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo, sự trồi sụt của tăng trưởng kinh tế thế giới nên nhu cầu tiêu thụ cao su mất cân đối với nguồn cung cấp. “Chủ trương dài hạn là rà soát lại, không tăng diện tích trồng cao su”, Bộ trưởng cho biết. 

Bộ trưởng khẳng định, giải pháp trước mắt và lâu dài với các nhóm cây trồng cây công nghiệp, đặc biệt là ba nhóm cây trồng ở khu vực Tây Nguyên là cần rà soát, loại nào diện tích đã hết quy hoạch kiên quyết dừng lại. “Lôi kéo doanh nghiệp vào để chế biến; đưa các giải pháp khoa học vào để sản xuất nguyên liệu ở mức hợp lý, không tăng sản lượng nhưng tăng chất lượng”, Bộ trưởng cho biết.

Phan Phương (TTXVN)
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường

Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 5/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao năm 2019; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN