Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường

Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 5/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao năm 2019; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Các ý kiến của đại biểu rất tích cực, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, trong đó, đa số ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ, báo cáo của các cơ quan tư pháp và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng các báo cáo được chuẩn bị nghiêm túc, có nhiều đổi mới; việc thực hiện các nhiệm vụ đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được nêu trong các Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp. Trong năm 2019, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ Quốc hội giao trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tư pháp phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan tổ chức tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, trình Quốc hội thông qua.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nêu rõ: Hiện tại đang nổi lên vấn đề ô nhiễm môi trường tự nhiên. Mặc dù Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp nhưng ô nhiễm nước, không khí... vẫn chưa được khắc phục, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nhiều vụ việc bị phát hiện nhưng việc xử lý chưa nghiêm nên không có tác dụng răn đe. Báo cáo Chính phủ cho rằng tội danh về ô nhiễm môi trường khó xác định là không thuyết phục. Phải chăng các cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm, chỉ xử lý hành chính mà không chú trọng xử hình sự. Đề nghị Chính phủ phải quan tâm vấn đề này.

Chú thích ảnh
 Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Ngô Sách Thực phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Cũng quan tâm về vấn đề tội phạm ô nhiễm môi trường, đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) đề nghị, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đảm bảo tính đồng bộ, khả thi; kiên quyết không để tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, tiêu cực, lợi ích nhóm chi phối đồng thời xây dựng, bổ sung hệ thống chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe và kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. “Đề nghị phải rà lại các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường, đánh giá lại tác dụng của xử phạt hành chính, xử lý nặng hơn nếu tái phạm. Công khai các xử phạt hành chính về môi trường lần 1, lần 2..., các cơ sở tái phạm, các vụ việc chuyển sang cơ quan điều tra để khởi tố, điều tra”, ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

Qua thảo luận, nhiều đại biểu đánh giá cao việc tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” đã bị trấn áp mạnh, tạo được chuyển biến tích cực; các vụ án tham nhũng được xét xử, xử lý nghiêm không có vùng cấm. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều băng nhóm, đường dây hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỉ đồng xuất hiện với mức độ ngày càng nghiêm trọng, xảy ra nhiều nơi, khiến người dân lo lắng.
         
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị, chính quyền các cấp, Bộ Công an, các cơ quan tố tụng tập trung chỉ đạo, tấn công quyết liệt, điều tra truy tố nghiêm nhóm đối tượng này đồng thời xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm công chức tiếp tay để dự án ma tồn tại.
         
Thảo luận Báo cáo về công tác thi hành án năm 2019, các đại biểu đánh giá, Chính phủ, Bộ Tư pháp, hệ thống cơ quan thi hành án dân sự đã nỗ lực, cố gắng, có nhiều giải pháp tập trung quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu về thi hành án dân sự được Quốc hội giao. Vì thế, kết quả năm sau cao hơn năm trước, chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng cao. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn hạn chế. Công tác thi hành án dân sự kết quả về tiền chưa cao so với số tiền có điều kiện thi hành án, nhất là về án tín dụng, ngân hàng. Từ thực tiễn này, một số ý kiến cho rằng những khó khăn, bất cập về thể chế là một trong những nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến tình trạng nói trên.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) đề nghị, Chính phủ, Bộ Tư pháp, hệ thống thi hành án dân sự tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, các bộ ngành, cấp ủy chính quyền địa phương tăng cường sự phối hợp chặt chẽ. Quốc hội nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn về mặt thể chế, tổng kết thực tiễn và sửa đổi một cách đồng bộ Luật Thi hành án dân sự năm 2014 theo hướng cải cách hành chính, thủ tục thi hành án dân sự, đề cao nguyên tắc: mọi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật phải được chấp hành nghiêm.

Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thư viện; báo cáo thẩm tra về việc phân bổ 4.069 tỷ đồng trong tổng số 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và một số nội dung liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2020.

Nhìn chung, ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu băn khoăn về việc cho phép trình tự giao vốn như Luật Đầu tư công và đề nghị Chính phủ giải trình bằng văn bản. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, đồng thời chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, bổ sung vào các Dự thảo Nghị quyết Dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, trước khi trình Quốc hội thông qua. 

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện cho thấy, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ mạng lưới thư viện Việt Nam, đặc biệt là mạng lưới thư viện công lập, mối quan hệ giữa các loại thư viện để có chính sách phát triển thư viện phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện.

TTXVN/Báo Tin tức
Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 tiếp tục được tăng cường
Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 tiếp tục được tăng cường

Báo cáo tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định: Năm 2019, công tác phòng chống tham nhũng đã có thêm những bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, rõ rệt. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN