Xin ông cho biết ý nghĩa và kết quả của Hội nghị lần này?
Sau hai ngày làm việc, dưới sự chủ trì và dẫn dắt của Lào, nước Chủ tịch ASEAN 2024, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) đã thành công tốt đẹp, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trước hết, là hoạt động đầu tiên của Chủ tịch ASEAN 2024, Hội nghị lần này có nhiệm vụ quan trọng là xác định các trọng tâm, ưu tiên của ASEAN làm cơ sở định hướng xuyên suốt và tổng thể cho hợp tác ASEAN trong cả năm. Các nước đánh giá rất cao chủ đề của năm nay “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường”, thống nhất 9 ưu tiên của ASEAN trên cả hai cụm nội dung về kết nối và tự cường, phản ánh nhu cầu chung của ASEAN trước các yêu cầu của thời đại. Cụ thể, về “tự cường”, ASEAN sẽ tập trung xây dựng các Chiến lược triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hợp tác môi trường, tăng cường sự tham gia và đóng góp của phụ nữ, trẻ em và nâng cao năng lực y tế khu vực. Về “kết nối”, ASEAN sẽ thúc đẩy sự gắn kết giữa các nền kinh tế, thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững, chuyển đổi hướng đến tương lai số, và phát huy vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong tiến trình hội nhập khu vực.
Một điểm nhấn nữa cho hợp tác ASEAN năm 2024 là thời điểm chuyển giao giữa các khuôn khổ chiến lược xây dựng Cộng đồng. ASEAN bước vào năm cuối cùng triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và chuẩn bị các bước phát triển cho giai đoạn tiếp theo. Xây dựng Cộng đồng là một tiến trình liên tục và lâu dài, song bước chuyển giai đoạn luôn mang ý nghĩa quan trọng, mở ra những cơ hội, khát vọng và quyết tâm mới cho sự phát triển của Cộng đồng. Từ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 đến Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 không đơn giản là phép cộng của thời gian, mà là phép nhân của nỗ lực với mong muốn tạo ra những đột phá mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn cho liên kết của ASEAN trong những năm tới. Bởi lẽ đó, 2024 cũng sẽ là một năm bận rộn của ASEAN với việc chuẩn bị kiểm điểm toàn diện các Kế hoạch tổng thể 2025 và xây dựng các Chiến lược hợp tác mới đến năm 2045.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến thông điệp đoàn kết, hợp tác và tự cường mà Hội nghị đã chuyển tải thông qua kết quả trao đổi của các Bộ trưởng về tình hình quốc tế và khu vực. Cạnh tranh chiến lược nước lớn, Biển Đông, Myanmar, xung đột Nga-Ukraine, Trung Đông... và cùng với đó là các tiến trình đang diễn ra như thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hay triển khai Đồng thuận 5 điểm về Myamar đều hiện diện trong chương trình nghị sự của Hội nghị. Điều này cho thấy ASEAN nhận thức sâu sắc về tính cấp thiết của những vấn đề đang đặt ra cũng như hệ lụy, tác động đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực. Cùng trao đổi để hiểu hơn mối quan tâm của nhau, từ đó cùng nỗ lực tìm kiếm giải pháp chung phù hợp nhất. Qua chính những trao đổi chân thành, thẳng thắn đó, các nước càng thêm thấy trân trọng giá trị của đoàn kết, thống nhất đã tạo nên sức mạnh cho ASEAN vững vàng vượt qua mọi khó khăn, trở ngại cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Các nước tin tưởng rằng kết quả của Hội nghị lần này không chỉ là tiền đề quan trọng cho hợp tác ASEAN trong cả năm 2024, mà còn tạo động lực và sức sống mới cho những bước phát triển xa hơn của ASEAN trong những thập kỷ tới.
Xin ông cho biết sự tham gia và đóng góp của đoàn Việt Nam?
Trên tinh thần chủ động, tích cực và sáng tạo, đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đã tham dự và có nhiều đóng góp cho thành công của Hội nghị. Sự tham gia có trách nhiệm ngay từ giai đoạn chuẩn bị và những đóng góp tại Hội nghị của đoàn Việt Nam phản ánh cam kết và trách nhiệm của chúng ta với công việc chung của ASEAN và sự ủng hộ mạnh mẽ, nhất quán đối với năm Chủ tịch ASEAN 2024 của Lào, qua đó, góp phần củng cố thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt-Lào như tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo Cấp cao hai nước.
Đánh giá cao chủ đề của năm hợp tác ASEAN 2024, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch Lào và các nước triển khai hiệu quả, thiết thực các ưu tiên đề ra. Bộ trưởng đề cao ý nghĩa xây dựng một ASEAN tự cường trước các biến động phức tạp và thách thức to lớn trong bối cảnh hiện nay. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường kết nối, đề nghị ASEAN tăng cường kết nối số, kết nối thể chế, hạ tầng và người dân, thúc đẩy đầu tư và thương mại nội khối…
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã có nhiều chia sẻ và đề xuất quan trọng về tiến trình xây dựng Cộng đồng, quan hệ đối ngoại và các vấn đề, quốc tế khu vực cùng quan tâm. Trong đó, đáng chú ý, sáng kiến của Việt Nam về đăng cai Diễn đàn Tương lai ASEAN về phát triển nhanh, bền vững và lấy người dân làm trung tâm nhận được sự quan tâm của các nước. Diễn đàn, dự kiến tổ chức vào tháng 4/2024 tại Hà Nội, sẽ mang lại cơ hội trao đổi rộng rãi cho nhiều nhóm, giới nhằm gợi mở những ý tưởng sáng tạo, đột phá cho tiến trình xây dựng Cộng đồng.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh định hướng xây dựng các Chiến lược hợp tác 2045 mang tính bao trùm, toàn diện với các cơ chế theo dõi và đánh giá nhằm nâng cao văn hóa thực thi, thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng bền vững và cân bằng.
Trao đổi về hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị ASEAN tiếp tục duy trì cách tiếp cận cân bằng, xây dựng tầm nhìn chiến lược trong triển khai quan hệ đối ngoại, khuyến khích các đối tác tham gia và đóng góp trách nhiệm cho hợp tác khu vực, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh ASEAN cần giữ vững đoàn kết, đồng thuận, phát huy tự chủ chiến lược, củng cố lập trường nguyên tắc trong các vấn đề Biển Đông, Myanmar…, duy trì cách tiếp cận cân bằng, khách quan, nâng cao vai trò và tiếng nói trong các vấn đề liên quan tới hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.