Tại sự kiện, Ban tổ chức đã trao giải cho 35 giải pháp, trong đó có 2 giải Nhì, 7 giải Ba và 26 giải Khuyến khích; đồng thời chọn ra 20 giải pháp xuất sắc nhất gửi tham dự cuộc thi toàn quốc. Hai giải pháp đoạt giải Nhì của Hội thi là: “Thử nghiệm và ứng dụng sản xuất lươn đồng (Monopterus albus, Zuiew, 1793) giai đoạn bột lên giống bằng thức ăn công nghiệp” của nhóm tác giả Phạm Thị Thu Hồng và Lê Thị Tiểu Ni - Trường Đại học Cửu Long; “Số hóa bộ ảnh các bệnh truyền nhiễm trên heo” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Võ Thanh Phong, Nguyễn Thị Oanh Kiều, Hồ Thị Thu Thảo và Đỗ Trọng Hiếu - Trường Cao đẳng Vĩnh Long.
Biểu dương và chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh khẳng định, các giải pháp đoạt giải là minh chứng cho đam mê nghiên cứu; thể hiện tinh thần dám nghĩ dám làm và kiên trì theo đuổi mục tiêu, phục vụ tốt hơn cho công việc, mang lại những giá trị thiết thực cho cuộc sống và cộng đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, để nâng cao hơn nữa chất lượng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm nhiều hơn hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và các hội thi, cuộc thi sáng tạo, đặc biệt là Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa. Thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương, các cấp, ngành phát hiện những ý tưởng sáng tạo kỹ thuật có khả năng đem lại hiệu quả cao; tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân chuyển các ý tưởng thành giải pháp, sáng kiến kỹ thuật để tham gia Hội thi, hướng đến ứng dụng vào thực tế, đem lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long lưu ý, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ biến đổi cách sống, cách làm việc và giao tiếp của toàn nhân loại theo hướng hoàn toàn mới, trong đó con người không chỉ giao tiếp với nhau mà còn tương tác với các thiết bị khoa học công nghệ, kỹ thuật cao. Điều đó đặt ra yêu cầu, thế hệ trẻ phải được trang bị kiến thức khoa học và kỹ năng cần thiết để sẵn sàng trước những thay đổi này. Do đó, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cần quan tâm khơi gợi ý tưởng sáng tạo, đam mê nghiên cứu khoa học trong lực lượng sinh viên và đoàn viên, đồng thời tạo điều kiện cho các bạn trẻ đến với Hội thi.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Giới cho biết, Hội thi lần này tiếp nhận 96 giải pháp đăng ký tham gia của 218 tác giả và 57 nhóm tác giả, tăng 36 giải pháp so với hội thi lần thứ VIII. Các giải pháp tham gia dự thi thuộc 6 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; công nghiệp, cơ khí, tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; vật liệu, hóa chất, năng lượng; y dược; nông, ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; giáo dục đào tạo. Các giải pháp đoạt giải đều có tính mới, sáng tạo, đã được áp dụng thực tế tại cơ quan, đơn vị và có khả năng nhân rộng; có hiệu quả kinh tế-xã hội và môi trường. Riêng các giải pháp về nông nghiệp, chế biến đã sáng tạo trong việc sử dụng các nguyên liệu từ địa phương, góp phần nâng cao giá trị một số sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Qua 17 năm triển khai với 9 lần tổ chức, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa tỉnh Vĩnh Long đã tập hợp được ngày càng nhiều ý tưởng trên các lĩnh vực. Trong số đó, có nhiều sáng kiến, giải pháp đem lại hiệu quả cao khi ứng dụng vào thực tiễn, được giải cao tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc hoặc được giới thiệu để in trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam.
Sau Lễ tổng kết và trao giải, Ban tổ chức đã chính thức phát động Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa lần thứ X, năm 2024-2025.