Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong khuôn khổ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp và hưởng ứng năm Việt Nam tại Pháp 2014, trong các ngày 20-23/3, Viện Hàn lâm Khoa học Hải ngoại Pháp phối hợp với các trường Đại học Paris-Sorbonne, Nantes, Jean-Moulin Lyon III, tổ chức tại Paris hội thảo "Từ Đông Dương thuộc địa đến Việt Nam ngày nay".Hội thảo thu hút đông đảo giới học giả đến từ các viện nghiên cứu và trường đại học danh tiếng của Pháp cùng nhiều nước trên thế giới như Đại học Paris-Sorbonne, Paris V-Descartes, Paris-Diderot, Học viện Quốc phòng (Pháp) Washington-Seattle, Columbia, Sacramento (Mỹ), Ottawa, Toronto (Canada), Đại học quốc gia Singapore, Đại học Keio (Nhật Bản), Đại học quốc gia Việt Nam, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo. Ảnh: Bích Hà (PV TTXVN tại Pháp) |
Khoảng 60 tham luận trình bày trong ba ngày Hội thảo đề cập dưới nhiều góc độ bức tranh xã hội Việt Nam trong hơn 150 năm, kể từ cuộc chinh phục đầu tiên của người Pháp vào năm 1858, sự hình thành của chính quyền thuộc địa, quá trình khai thác và bóc lột tại các đồn điền cao su và cà phê, cho đến cuộc chiến tranh Đông Dương và quá trình phi thực dân hóa, Việt Nam những năm sau chiến tranh…
Các tham luận cùng với các ý kiến trao đổi tại các buổi thảo luận, các hội nghị bàn tròn trong khuôn khổ Hội thảo đã nêu bật sự phát triển liên tục và mạnh mẽ của Việt Nam trong dòng chảy của lịch sử, cũng như những triển vọng về sự phát triển bền vững nhờ chính sách mở cửa và hội nhập.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng cho rằng Hội thảo là dịp để điểm lại những mốc quan trọng của lịch sử Việt Nam, được đánh dấu bằng những thời khắc khó khăn và gian khổ trong quá khứ, sự tác động qua lại giữa nhiều tác nhân, và đặc biệt là ý chí của một dân tộc khát khao giành độc lập cũng như sự năng động của Việt Nam trong quá trình đổi mới và mở cửa.
Đại sứ đánh giá cao sự phong phú về đề tài, sự đa dạng của các học giả đến từ các trường đại học và cơ sở nghiên cứu khác nhau cũng như chất lượng các tham luận. Đại sứ mong muốn thông qua Hội thảo, các đại biểu sẽ đề xuất nhiều ý tưởng nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam và Pháp vốn phát triển rất tốt đẹp thời gian qua, đưa quan hệ đó tiếp tục phát triển, tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược mà hai nước vừa ký kết tháng 9/2013.
Ông François Weil, Giám đốc Viện Hàn lâm Paris, cho rằng Hội thảo là một trong những sự kiện quan trọng của Năm Việt Nam tại Pháp 2014. Ông nhấn mạnh các phân tích nhiều chiều dưới các góc độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng cho thấy mối quan hệ sống động giữa Pháp và Việt Nam trong một quá khứ được hai nước cùng chia sẻ.
Các mối quan hệ này trải qua các biến động của lịch sử đã trở thành di sản và nền tảng tạo đà cho việc thúc đẩy và mở rộng các lĩnh vực hợp tác, triển khai các hình thức hợp tác mới, vì lợi ích của hai nước Việt Nam và Pháp.
Hội thảo cũng được đón Hoàng thân Đan Mạch Henrik, người đã sống 8 năm tuổi thơ tại Hà Nội vào những năm 30 của thế kỷ trước. Trong câu chuyện về kể về Hà Nội, về Việt Nam, Hoàng thân Henrik đã thể hiện những tình cảm sâu sắc của ông dành cho Việt Nam. Ông đánh giá cao ý tưởng tổ chức Hội thảo và các tham luận đọc tại sự kiện này và bày tỏ tin tưởng rằng với chính sách đổi mới toàn diện, Việt Nam sẽ đạt được sự phát triển vượt bậc trong tương lai.
TTXVN/Tin tức