Cùng với tinh thần đổi mới về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18; tư tưởng đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết 57, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã định hướng về hội nhập quốc tế là "cẩm nang hành động" từ Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về "hội nhập quốc tế trong tình hình mới" sẽ là "kim chỉ nam" để đất nước ta từng bước nâng tầm vị thế trên trường quốc tế.
Nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức
Tiến sỹ Phan Cao Nhật Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi đề xuất "Việt Nam cần hiểu sâu sắc và toàn diện về hội nhập quốc tế trong bối cảnh hiện nay". Ảnh: TTXVN phát
Theo Tiến sỹ Phan Cao Nhật Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), trải qua các kỳ Đại hội, chủ trương hội nhập liên tục được khẳng định, làm rõ và mở rộng cách tiếp cận từ hội nhập kinh tế sang hội nhập toàn diện để khơi thông, mở rộng quan hệ với các quốc gia và tổ chức quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế -xã hội và nâng cao vai trò, vị thế của quốc gia, đưa Việt Nam hội nhập vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế quốc tế và nền văn minh nhân loại.
Điều này thể hiện sự vận dụng sâu sắc và sáng tạo tư tưởng “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại” trong tiến trình phát triển của Việt Nam. Chủ trương hội nhập quốc tế đang trong thời điểm bước ngoặt, mang tính lịch sử. Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới” là “quyết sách đột phá,” đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử trong quá trình hội nhập để Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình tới thịnh vượng, hùng cường, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ấn tượng với giải pháp “Hội nhập quốc tế phải phát huy hiệu quả mạng lưới các quan hệ đối tác đã được xác lập để gia tăng tin cậy chính trị, tranh thủ nguồn lực cho phát triển, giải quyết các vấn đề còn tồn tại bằng biện pháp hòa bình, tăng cường hợp tác trên cơ sở tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế” được Tổng Bí thư đề cập trong bài viết, Tiến sỹ Phan Cao Nhật Anh cho rằng, trong gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đang đẩy mạnh thiết lập quan hệ song phương, đa phương với các quốc gia trên thế giới. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao song phương với 193 quốc gia, vùng lãnh thổ; có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với nhiều quốc gia có nền kinh tế lớn.
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Phan Cao Nhật Anh, hội nhập quốc tế mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đem lại không ít thách thức như: Nguy cơ tấn công mạng và an toàn dữ liệu cá nhân, an ninh lương thực và an ninh năng lượng, cạnh tranh không công bằng, tăng trưởng không bền vững, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động… Việc phát huy hiệu quả mạng lưới các quan hệ đối tác đã được xác lập, đạt được những mục tiêu như Tổng Bí thư đề ra, theo Tiến sỹ Phan Cao Nhật Anh, không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Nguyên nhân là do tình hình thế giới đang có nhiều biến động, diễn biến khó lường, hàng loạt các vấn đề xảy ra trong thời gian gần đây như: Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ngày càng sâu sắc, các cuộc khủng hoảng, xung đột tại nhiều khu vực… Mới đây nhất là việc Hoa Kỳ áp chính sách thuế quan với các các quốc gia, trong đó có Việt Nam, của Chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Trước tình hình trên Tổng Bí thư Tô Lâm đã có phản ứng nhanh khi điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump để trao đổi về các biện pháp để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, hướng đến thương mại công bằng, bền vững, hài hòa lợi ích của các bên. Đặc biệt là việc xem xét khả năng Việt Nam đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Theo Tiến sỹ Phan Cao Nhật Anh, hành động của Tổng Bí thư thể hiện Việt Nam quyết đoán, thích ứng trước những tình hình mới khó đoán định và chưa có tiền lệ.
Phát triển nội lực quốc gia
Để có cách tiếp cận mới về hội nhập quốc tế, Tiến sỹ Phan Cao Nhật Anh đề xuất, Việt Nam cần nhận thức đúng về xu hướng vận động của cục diện thế giới, hiểu sâu sắc và toàn diện về hội nhập quốc tế trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động khó đoán định, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt, xu hướng hình thành cục diện đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc ngày càng rõ rệt, Việt Nam cần phát triển nội lực quốc gia ở lĩnh vực kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa... nhằm từng bước nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Đồng thời, Việt Nam cũng cần đảm bảo giữ vững độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia. Trong bối cảnh đó, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam góp phần quan trọng trong việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, khẳng định lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam.
Tiến sỹ Phan Cao Nhật Anh cho biết, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tiếp tục thực hiện một số nghiên cứu làm sáng tỏ các hoạt động của tình hình quốc tế hiện nay, định hướng cho hội nhập quốc tế của Việt Nam; làm rõ mô hình tăng trưởng kinh tế phù hợp trong đó nhấn mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Ngoài ra, Viện cũng nghiên cứu đặc điểm về văn hóa, phát huy tối ưu, thế mạnh của con người Việt Nam, các đối sách mà Việt Nam cần ứng xử với các nước trên thế giới, nhất là với các nước lớn, đối tác chiến lược, các nước trong khu vực, láng giềng của Việt Nam; xây dựng một hệ thống quan điểm về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như Mặt trận tư tưởng chính trị, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng.