Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương: Đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn

Ngày 2/7, tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương, trên tinh thần gợi ý của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đại diện lãnh đạo các đia phương đã đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn, các rào cản nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương 6 tháng cuối năm 2018.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

 

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù trong 6 tháng đầu năm Việt Nam đã đạt được thành tích tốt ở cả 3 khu vực nông nghiệp, dịch vụ thương mại, sản xuất công nghiệp nhưng từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong lĩnh vực kinh tế.

Đó là, sức ép lạm phát 6 tháng cuối năm khi mà CPI 6 tháng qua tăng mạnh ở mức 0,61%, cao nhất trong 7 năm qua (chủ yếu là nhóm mặt hàng xăng dầu, ăn uống, giao thông, vật liệu xây dựng). “Đây là vấn đề cần tập trung thảo luận tại hội nghị và phải có giải pháp cụ thể để kiểm soát lạm phát năm nay không quá 4%”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chủ trương sẽ không tăng giá điện trong năm nay, giá dịch vụ y tế thì có đủ điều kiện mới tăng trên tinh thần giữ lạm phát không quá 4%.

Một tồn tại nữa được Thủ tướng chỉ ra là việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiện mới đạt 33% dự toán năm. So với năm ngoái có tốt hơn nhưng đây vẫn là khâu yếu. Do đó, theo Thủ tướng, cần thảo luận vì sao yếu, vì sao chậm, nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì?

Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn rào cản, có dấu hiệu “chững lại”, do đó, cần tập trung tháo gỡ, thúc đẩy.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong 6 tháng đầu năm tỉnh duy trì xuất siêu 2,5 tỷ USD, 46/49 xã và 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thu ngân sách đạt 47% so với dự toán, tăng 9% cùng kỳ…Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài thấp hơn năm 2017. Lý do thu hút đầu tư nước ngoài thấp do tỉnh thực hiện chủ trương không chạy theo số lượng, thu hút dự án lớn, thân thiện môi trường vào các khu công nghiệp.

Đề xuất tại hội nghị, ông Trần Thanh Liêm cho biết, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong những năm qua phát triển mạnh có sự đóng góp lớn cho phát triển cả nước nhưng đang chịu sức ép lớn về dân số và các vấn đề xã hộ. Tuy nhiên hiện nay, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là về hạ tầng giao thông.

Đại diện tỉnh Bình Dương đề nghị  Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải quan tâm, sớm đầu tư hệ thống đường thủy, đường sắt đi qua tỉnh cho Bình Dương. Đồng thời, tạo điều kiện giao thông thuận lợi cũng như  góp phần phát triển logistics cho tỉnh cũng như các tỉnh, thành trong vùng trọng điểm phía Nam.

 

Chú thích ảnh
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

 

Về giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch  UBND tỉnh Bình Dương cho biết, về phía địa phương sẽ thúc đẩy việc này theo thẩm quyền và đề nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương hướng dẫn tháo gỡ, sửa đổi quy định về thanh toán chi phí, sửa đổi Nghị định về nợ đọng xây dựng cơ bản, nhằm đơn giản hóa các thủ tục đầu tư. 

Đại diện tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư hệ thộng giao thông của Quảng Nam để tạo cơ sở liên kết liên vùng.

Là một trong 2 đầu tầu kinh tế cả nước, thành phố Hà Nội có những đóng góp lớn cho nền kinh tế như vốn đầu tư xã hội tăng 9,9%,  thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất so với các địa phương khác với tổng số vốn đăng ký 5,87 tỷ USD, chiếm 28,9% tổng vốn đầu tư, thu ngân sách tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, từ nay đến cuối năm, thành phố tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc kịp thời cho các nhà đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Đồng thời, tăng cường các chuỗi liên kết nông sản, xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, thực hiện các chính sách thu ngân sách bền vững...

Với vai trò đầu tàu kinh tế, đại diện UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, từ nay  đến cuối năm thành phố tập trung một số giải pháp chủ yếu như đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần  hóa doanh nghiệp, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển khu đô thị thông minh...

TP Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ cho thành phố thực hiện đúng theo Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh. Theo đó, thành phố được quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố theo quy định Luật Đầu tư công nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Long cho biết, từ nay đến cuối năm tỉnh này sẽ tập trung các nguồn lực cho đầu tư hạ tầng; trong đó có dự án cao tốc Vân Đồn-Móng Cái. Hiện dự án đã hoàn thành đấu thầu và phấn đấu đến cuối năm 2020_kết nối cao tốc Vân Đồn-Móng Cái. Quảng Ninh cũng kiến nghị Chính phủ hoàn thiện dự án Luật khu hành chính kinh tế đặc biệt trình Quốc hội kỳ họp thứ 6.

Với kỳ vọng dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đem lại đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế cho Thanh Hóa và cả nước, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đề nghị Chính phủ, các bộ ngành tạo điều kiện thuận lợi trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Chính phủ xem xét quy định về thành lập khu chăn nuôi phải cách xa khu dân cư 500m đang gây khó khăn cho địa phương thu hút dự án đầu tư chăn nuôi.

"Hiện tập đoàn TH True milk đang muốn đầu tư vào địa phương với quy mô 20.000 con bò sữa trên diện tích 7 ha nhưng Thanh Hóa không tìm được đất phù hợp", ông Xứng cho biết.

Theo đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện các khu chăn nuôi đã xử lý mùi, ô nhiễm môi trường khá tốt nên Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Chính phủ xem xét quy định cự ly khu dân cư với khu vực chăn nuôi phù hợp.
 

Thu Anh (TTXVN)
Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng
Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng

Sáng 2/7/2018, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “ Đánh giá tình hình Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN