Lần đầu tiên tổ chức, Hội chợ việc làm dành cho những lao động đi làm việc ở Hàn Quốc trở về diễn ra chiều 12/10 đã thu hút trên 600 người lao động đến tuyển dụng. Tuy nhiên, nhiều lao động thất vọng với mức lương do các doanh nghiệp đưa ra.
Chen chúc đến phỏng vấn tuyển dụng
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - LĐ-tb&xh), có khoảng gần 500 lao động đăng ký từ trước với trung tâm để tham dự Hội chợ việc làm. Bộ LĐ-tb&xh phối hợp với Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) tại Việt Nam tổ chức.
Lao động tham gia tuyển dụng tại hội chợ. |
Bên cạnh những lao động ở Hà Nội và một vài tỉnh lân cận, rất nhiều lao động đã lặn lội từ các tỉnh miền Trung: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... tới hội chợ. Anh Đào Tiến Dũng, quê ở Sóc Sơn, đi Hàn Quốc làm việc từ năm 2007 và về nước năm 2012. Sau khi về, anh Dũng tham gia khóa học khởi nghiệp do HRD tổ chức miễn phí. Từ lớp học này, anh được biết về sự kiện Hội chợ việc làm dành cho những lao động đi làm việc ở Hàn Quốc trở về và đã đến tham dự.
Anh Dũng là một trong số 270 lao động đã qua sơ tuyển vòng 1, thuộc top được ưu tiên phỏng vấn đầu tiên trong hội chợ. Theo ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, có thêm những lao động chưa đăng ký từ trước cũng đến. Tất cả những người đến với hội chợ, kể cả chưa đăng ký trước qua mạng thì khi đến nơi vẫn được phát phiếu đăng ký để được phỏng vấn trực tiếp.
Từ 1 giờ chiều, suốt tầng 1 đến tầng 3 của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội gần như không còn chỗ trống. Người lao động đến hội chợ được phát thẻ: thẻ vàng dành cho lao động đã đăng ký qua mạng và được HRD kết nối với các doanh nghiệp Hàn Quốc; thẻ xanh là lao động đăng ký qua mạng nhưng chưa được kết nối. Ở tầng 3 - khu vực phỏng vấn tuyển dụng, hàng trăm ghế đều kín chỗ, đa số là lao động có thẻ vàng. Còn số có thẻ xanh uể oải đứng tràn ra hành lang, cầu thang, ngóng vào khu vực phỏng vấn. Có người đợi lâu quá, mệt mỏi, đã bỏ về vì nghĩ không tới lượt mình. Đến hơn 3 giờ chiều, nhiều lao động thẻ vàng đã ra về, trong khi tầng 1 vẫn còn nhiều người lao động chưa có thẻ, số thì xếp hàng để lấy mẫu đăng ký, số còn lại cắm cúi chen nhau ngồi điền thông tin.
Theo ông Choi Buyng Gie, Giám đốc Văn phòng đại diện HRD tại Việt Nam, việc tổ chức hội chợ việc làm như thế này giúp cho người lao động tìm việc dễ dàng hơn. “Đây cũng là biện pháp để kêu gọi người lao động tự nguyện về nước khi hết thời hạn hợp đồng”.
Lương không như mong đợi
Có 62 doanh nghiệp Hàn Quốc khu vực phía Bắc thuộc các lĩnh vực: xây dựng, cơ khí, dệt may, điện, điện tử đến hội chợ để tuyển lao động. Công ty Hyundai Seul hiện đang triển khai 4 dự án tại Quảng Ninh và Hà Nội có 300 người lao động Việt Nam đang làm việc và đang có nhu cầu tuyển 200 lao động nữa. Theo đại diện doanh nghiệp này, mức lương trả cho người lao động là 300 - 400 USD/tháng. Ông Phan Văn Minh cũng cho biết thêm, theo thăm dò, các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam sẵn sàng trả mức lương thấp nhất là 5 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, thực tế không như kỳ vọng của nhiều lao động. Anh Phạm Văn Bình (Mê Linh, Hà Nội, trở về nước từ tháng 7/2012) đến với hội chợ từ rất sớm. Trong khi hàng trăm người đang chờ đợi mệt mỏi, anh Bình đã nhanh chân được 2 doanh nghiệp phỏng vấn. “Nhưng tôi chán quá! Lương của một doanh nghiệp dệt đưa ra chỉ là 2 triệu đồng/tháng. Bây giờ, thu nhập đó không đủ để sống ở mức bình dân. Tôi đang làm công nhật cũng đã được trả 250.000 đồng/ngày, nghĩa là mỗi tháng được hơn 6 triệu đồng nếu có việc đều. Còn ở bên Hàn Quốc, tôi làm được 40 triệu đồng/tháng”, anh Bình cho biết.
Theo đại diện Trường Cao đẳng nghề Huyndai Seul, đơn vị phối hợp tổ chức hội chợ, mức lương thấp so với khi còn làm tại Hàn Quốc là điều mà người lao động phải chấp nhận. Ông này cũng khuyến cáo người lao động: “Trong thời kỳ hiện nay, khi thế giới đang chuyển sang sử dụng lao động kỹ thuật cao, lao động phổ thông chẳng còn cách nào khác là phải nhận mức lương thấp. Vì thế, muốn nhận được công việc có mức lương cao, người lao động phải tích cực học những kỹ thuật cao để có tay nghề tốt”.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa khẳng định: “Trong thời gian tới, Bộ sẽ giao cho Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với các cơ quan của Hàn Quốc trên cơ sở rút kinh nghiệm kết quả của hội chợ việc làm lần này, nghiên cứu, đề xuất về quy mô, hình thức, địa bàn tổ chức các phiên hội chợ việc làm cho người lao động sau khi hết hạn hợp đồng đi làm việc ở Hàn Quốc về nước. Điều đó nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, đồng thời cũng giúp người lao động tìm được việc làm nhiều hơn”.
Dự kiến, từ nay, hội chợ sẽ diễn ra 1 lần/năm. Theo ông Phan Văn Minh, quy mô, hình thức và địa bàn tổ chức các hội chợ tiếp theo sẽ phụ thuộc vào số lượng lao động đăng ký. Tuy nhiên, trung tâm sẽ chuẩn bị và thông tin sớm hơn để có nhiều hơn người lao động biết và đăng ký tham dự.
Bài và ảnh: Mạnh Minh