Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng biểu dương những thành tựu mà Ủy ban Đối ngoại đạt được trong nhiệm kỳ qua, đồng thời nêu rõ, trong tình hình đại dịch COVID-19 bùng phát thời gian qua, công tác đối ngoại Quốc hội đã được triển khai và thực hiện nghiêm túc theo các nguyên tắc, phương châm, quan điểm chỉ đạo về đường lối đối ngoại trên tinh thần Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV tập trung vào việc tăng cường quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, đưa các mối quan hệ vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực; trao đổi kinh nghiệm hoạt động nghị viện với các nước trên thế giới; thúc đẩy sự ủng hộ của các nghị viện trong quan hệ song phương cũng như các cơ chế hợp tác đa phương, các vấn đề khu vực và quốc tế; phát huy tốt các lợi thế của kênh ngoại giao nghị viện trong tổng thể công tác đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng đối với ngoại giao nghị viện, Quốc hội Việt Nam đã làm rất tốt việc củng cố và tiếp tục phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước bạn truyền thống, các nước láng giềng, các nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện như: Lào, Cuba, Campuchia, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á khác.
Với vai trò chủ trì điều phối, Ủy ban Đối ngoại đã triển khai các hoạt động của Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị, Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ và phối hợp hoạt động với Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội dưới hình thức phong phú, nội dung đa dạng hơn trong mối quan hệ song phương và tại các diễn đàn nghị viện đa phương. Đặc biệt, Ủy ban đã tham mưu với Quốc hội nước ta đưa sáng kiến Hội nghị nữ Nghị sĩ chính thức vào khuôn khổ diễn đàn APPF, Hội nghị Nghị sĩ trẻ chính thức vào khuôn khổ Đại hội đồng AIPA hàng năm.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng Ủy ban Đối ngoại có niềm tự hào về tinh thần trách nhiệm, về công tác tham mưu, đề xuất ý kiến sắc sảo, về trách nhiệm thẩm tra để góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho công cuộc hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế của nước ta; đưa hoạt động đối ngoại của Quốc hội trở thành một bộ phận quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, hoạt động Ủy ban Đối ngoại cũng để lại nhiều kinh nghiệm quý về tính chuyên nghiệp, về công tác phối hợp, giám sát của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, về sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ...
Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, thời gian qua, Ủy ban Đối ngoại đã chủ trì thẩm tra để trình Quốc hội thông qua dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật Thỏa thuận quốc tế. Đồng thời, Ủy ban Đối ngoại chủ trì thẩm tra 9 điều ước quốc tế quan trọng để trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức, mở ra nhiều cơ hội mới về hội nhập và phát triển kinh tế và 4 điều ước quốc tế về phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Lào, giữa Việt Nam và Campuchia góp phần quan trọng xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Ủy ban Đối ngoại đã tham mưu đối với việc thành lập Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên” và chủ trì xây dựng nội dung, báo cáo giám sát. Đồng thời, Ủy ban Đối ngoại chủ trì thẩm tra 6 điều ước quốc tế khác và kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Đây là các điều ước quốc tế thúc đẩy hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về biên giới quốc gia, đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước trong giai đoạn mới của nước ta…
Hoạt động đối ngoại song phương bảo đảm đúng đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; phát huy tốt các lợi thế của kênh ngoại giao nghị viện trong tổng thể công tác đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước; tiếp tục ưu tiên các đối tác có quan hệ đặc biệt, các nước láng giềng, khu vực, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác truyền thống để tăng cường hiểu biết và tranh thủ sự ủng hộ của Quốc hội các nước.