Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận trong thành tích chung của cả nước trong năm 2017, có sự đóng góp quan trọng của ngành Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường. Ngành đã làm tốt công tác tham mưu, giúp Chính phủ chỉ đạo thực hiện việc tổng kết, đánh giá, sửa đổi một số chủ trương, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường, đặc biệt là hai lĩnh vực đất đai và bảo vệ môi trường.
Công tác quy hoạch, điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng, trữ lượng tài nguyên được đẩy mạnh; chất lượng công tác dự báo khí tượng thủy văn ngày càng được cải thiện. Bộ đã tham mưu trình Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP, đề ra tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp có tính chiến lược, lâu dài đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long để có thể phát triển bền vững trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Tài nguyên và Môi trường vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục: Công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện phức tạp. Tình trạng khai thác khoáng sản, cát sỏi trái phép xảy ra ở một số nơi.
Tình hình ô nhiễm môi trường ở một số khu, cụm công nghiệp, ở đô thị và cả nông thôn có nơi còn rất nghiêm trọng. Việc lồng các chương trình, đề án ứng phó biến đổi khí hậu với các chương trình, đề án của các lĩnh vực khác còn thiếu hiệu quả. Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu của ngành còn chậm.
Tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước xảy ra ở nhiều nơi. Tài nguyên biển chưa được khai thác sử dụng hiệu quả và đóng góp tương xứng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ở một số địa phương, năng lực thực thi chính sách, pháp luật còn hạn chế, buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật nhất là trong quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường...
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ: Năm 2018 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thời kỳ 2016 - 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã yêu cầu phải thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, cùng với đó phải tái cấu trúc lại nền kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng hợp lý nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là các nguồn lực tài nguyên, đất đai, gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở đó, ngành Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thực cần tập trung cải thiện chất lượng môi trường, điều kiện sống của người dân; thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ và xử lý môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm; khắc phục có hiệu quả ô nhiễm môi trường do chiến tranh để lại.
Ngành quy hoạch, xây dựng các công trình xử lý rác thải tập trung theo vùng, cụm xã, hạn chế, tiến tới ngăn chặn căn bản tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, lưu vực sông, khu, cụm công nghiệp, khu đô thị và khu dân cư tập trung ở nông thôn.
Ngành Tài nguyên và Môi trường tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng; kiểm soát chất lượng không khí ở khu vực đô thị có mật độ dân cư cao; thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn phát thải và công nghệ theo lộ trình phù hợp. Ngành tăng cường bảo vệ, phát triển rừng bền vững, nhất là rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo và các nguyên liệu, vật liệu mới, thân thiện với môi trường.
Ngành Tài nguyên môi trường tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển.
Ngành rà soát lại tất cả các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường để điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới cho phù hợp với thực tiễn phát triển, đặc biệt là các Quy hoạch quản lý, khai thác tài nguyên (đất, nước, khoáng sản, biển).. Từ các quy hoạch đó, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó chỉ rõ nguồn lực và thứ tự ưu tiên triển khai thực hiện, tránh tình trạng quy hoạch treo (như quy hoạch khai thác Titan, một số loại khoáng sản khác).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý cần tạo đột phá trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất. Ngành tiếp tục tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích việc tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất, kinh doanh tập trung quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao.
Ngành tập trung nguồn lực để hiện đại hóa hồ sơ địa chính; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin đất đai, từng bước hiện đại hóa dịch vụ công về đất đai theo hướng Chính phủ điện tử. Ngành tập trung chỉ đạo để hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất đối với đất có nguồn gốc của các nông, lâm trường quốc doanh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: An ninh nguồn nước đang là vấn đề hết sức cấp bách đối với Việt Nam. Nước ta đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất do gia tăng về ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là khan hiếm nguồn nước dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công tác điều tra, đánh giá đầy đủ tài nguyên nước, nâng cao ý thức của cộng đồng trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Ngành thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy chế vận hành hồ chứa và liên hồ chứa. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động tham mưu, đề xuất với Chính phủ để đàm phán thiết lập cơ chế chia sẻ nguồn nước liên quốc gia.
Ngành tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, ngành cần tổng điều tra, rà soát, phân loại, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm nhất là các nguồn thải ra sông, ra biển; cải tạo, phục hồi các khu vực ô nhiễm; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học. Ngành hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường; tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; triển khai mạnh các nhiệm vụ bảo vệ môi trường lưu vực sông, bảo vệ môi trường các khu kinh tế, khu công nghiệp, làng nghề.
Cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược; công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; tăng cường đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn chi ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường.