Dao có tính sát thương cao là vũ khí khi sử dụng vào mục đích trái pháp luật
Dự thảo Luật có quy định về việc bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ; trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Vũ khí thô sơ được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác để thi hành công vụ hoặc không được trang bị cho các đối tượng theo quy định của Luật này nhưng sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật.
Về quy định này, Đại tá Vũ Minh Hùng (Trưởng phòng 3, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) phân tích, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 không quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí; vũ khí thô sơ được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác để thi hành công vụ hoặc không được trang bị cho các đối tượng theo quy định của Luật này nhưng sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật không được xác định là vũ khí quân dụng. Trong khi đó, tại Điều 306 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định chỉ xử lý hình sự được đối với tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ khi đối tượng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích.
Qua tổng kết 5 năm thi hành Luật thấy, trong tổng số 28.715 vụ đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng…, có đến 25.378 vụ (chiếm 88,4%) đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án, riêng đối tượng, sử dụng các loại dao gây án là 16.841/25.378 vụ (chiếm 66,4%), nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) giết người với tính chất rất manh động, tàn ác, dã man gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Thực tế hiện nay, tình trạng đối tượng là thanh, thiếu niên thành lập các băng, nhóm, tự hoán cải các loại dao sắc, nhọn, hàn thêm tuýp sắt dài từ 1m đến 2m để giải quyết mâu thuẫn, thanh toán lẫn nhau, đe dọa người dân, gây bức xúc dư luận xã hội; do đó, cần phải đưa dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ. Bên cạnh đó, vũ khí thô sơ khi được trang bị cho lực lượng vũ trang để sử dụng để đấu tranh trực diện, trực tiếp với tội phạm nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, các loại vũ khí này khi đối tượng sử dụng xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe con người cũng nguy hiểm như các loại vũ khí quân dụng khác; do đó, cần thiết phải đưa các loại vũ khí thô sơ này vào nhóm vũ khí quân dụng nhằm điều chỉnh nhận thức, hành vi của các đối tượng, giảm nguồn tội phạm.
"Tuy nhiên, dao có tính sát thương cao là phương tiện lưỡng dụng, được người dân sử dụng phổ biến trong lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, do đó, để bảo đảm không ảnh hưởng, tác động đến đời sống xã hội của nhân dân nên dự thảo Luật chỉ quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí khi đối tượng sử dụng vào mục đích trái pháp luật; trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này" - Đại tá Vũ Minh Mùng cho biết.
Cũng theo Đại tá Vũ Minh Hùng, cần thiết phải quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí trong dự thảo Luật, trong đó được phân định rõ: Dao có tính sát thương cao khi sử dụng với mục đích trái pháp luật là vũ khí thô sơ. Dao có tính sát thương cao khi được trang bị cho lực lượng vũ trang và các lực lượng khác để thi hành công vụ hoặc sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng. Dao có tính sát thương cao sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
"Việc bổ sung dao vào danh mục vũ khí thô sơ có ý nghĩa hết rất quan trọng trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm"- Đại tá Vũ Minh Hùng nhấn mạnh. Trong đó ngăn chặn các hành vi sử dụng trái phép các loại dao nhất là, sử dụng dao có tính sát thương cao gây án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng...; ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên thành lập các băng, nhóm, tự hoán cải các loại dao sắc, nhọn để giải quyết mâu thuẫn, thanh toán lẫn nhau, đe dọa người dân gây hoang mang lo lắng, bức xúc xã hội và nhân dân. Việc đưa dao có tính sát thương cao là vũ khí nhằm điều chỉnh nhận thức, hành vi của đối tượng để giảm nguồn tội phạm.
Bổ sung một số loại vũ khí vào nhóm vũ khí quân dụng
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng có quy định về việc bổ sung các loại súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng nén khí, súng nén hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này vào nhóm vũ khí quân dụng.
Trước đây, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 chỉ quy định một số loại vũ khí này là súng săn (súng kíp, súng hơi), vũ khí thể thao (súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay); việc quy định như trên đã không bao quát đầy đủ các loại súng nên thực tế còn rất nhiều loại súng bắn đạn ghém, súng nén khí, súng nén hơi không được quy định trong Luật này. Trong khi đó, tại Điều 306 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định chỉ xử lý hình sự được đối với tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thể thao khi đối tượng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích.
Qua tổng kết 5 năm thi hành Luật cho thấy, trong tổng số 2.113 vụ đối tượng sử dụng trái phép các loại súng gây án, giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng…, chỉ có 330 vụ đối tượng sử dụng súng quân dụng, còn lại 1.783 vụ (chiếm 84,4%) đối tượng sử dụng súng tự chế (súng bắn đạn ghém, súng nén khí, nén hơi…), nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người, nguy hiểm như vũ khí quân dụng. Do đó, cần thiết phải bổ sung các loại vũ khí này vào nhóm vũ khí quân dụng, giao Bộ trưởng Bộ Công an ban hành danh mục; các loại vũ khí này khi được trang bị để sử dụng trong hoạt động luyện tập, thi đấu thể thao hoặc để săn bắn thì được xác định là vũ khí thể thao hoặc súng săn.