Hoàn thiện cơ chế giám sát chính quyền

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, ở đâu có Ủy ban nhân dân (UBND) thì ở đó phải có Hội đồng nhân dân (HĐND) để giám sát. Bên cạnh đó, cần quy định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền địa phương, tránh tình trạng “quyền lực thì nhiều, nhưng trách nhiệm thì không thấy đâu”.

Bỏ hay không bỏ HĐND ở địa phương?

Ngày 24/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ban soạn thảo đã đưa ra hai phương án về mô hình tổ chức. Phương án 1: Không tổ chức HĐND quận, phường. Chỉ tổ chức UBND; nhưng đối với địa bàn nông thôn vẫn có đủ HĐND ở các cấp chính quyền ở huyện, xã. Phương án 2: HĐND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính nhưng có đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Ðại biểu Trần Văn Bản (Bình Định) phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Thực tế, việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường ở đô thị đã có 4 năm thực hiện thí điểm. Nhưng đến nay, việc xác định, so sánh các tiêu chí trong 2 phương án vẫn chưa rõ ràng. Còn trong phiên thảo luận, đa số các đại biểu chọn phương án hai và cho rằng, nên quy định thống nhất có UBND và HĐND ở tất cả các cấp trên toàn quốc.

“Nếu không tổ chức HĐND ở đơn vị hành chính là cấp quận, phường, thì tính đại diện, việc giám sát của cử tri sẽ được thực hiện như thế nào? Việc quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương có đảm bảo tính dân chủ không?”, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu vấn đề.

Chiều 24/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).

“Về mặt tổ chức, nơi có HĐND, nơi lại không tổ chức HĐND. Vị trí, tính chất, thẩm quyền của UBND khác nhau sẽ tạo ra sự không thống nhất trong nhận thức và thực hiện”, ông Vinh nhận xét.

Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Văn Bản (Bình Định) cho rằng: “Khi không tổ chức HĐND ở cấp phường, quận, nhân dân ở đây không có người đại diện để phản ánh ý chí, nguyện vọng của mình. Có những việc đơn giản có thể giải quyết xong ngay tại cơ sở thì sẽ trở thành phức tạp hơn”.

“Cần thống nhất trên nguyên tắc, ở đâu có quyền lực thì phải có kiểm soát quyền lực, nghĩa là ở đâu có UBND thì cần có HĐND”, đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) cũng đề nghị.

Theo đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa), HĐND là thiết chế dân chủ của nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ và là cơ quan giám sát của người dân ở cơ sở. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy có nhiều nước quan tâm đến việc có mô hình HĐND ở cơ sở. Do đó, đại biểu đồng tình với phương án 2 trong dự thảo.

Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, việc giảm bớt HĐND ở cấp quận, phường sẽ giảm bớt được bộ máy hành chính vừa cồng kềnh, vừa kém hiệu quả, giúp chính quyền địa phương gần với dân hơn.

Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: “Cần nhìn nhận trên quan điểm xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới chứ không phải Luật Tổ chức HĐND và UBND sửa đổi. Thay đổi cách tiếp cận từ chính quyền Trung ương xuống địa phương, phải có HĐND nhưng ở cấp nào thì cần quy định cụ thể”.

“Luật này phải giải quyết bốn vấn đề tồn tại là xác định địa vị pháp lý; hai là phân rõ công vụ, việc gì Trung ương làm, việc gì địa phương; ba là xu hướng chính quyền địa phương tự quản, tự chủ; bốn là việc có 3 cấp HĐND nhưng hiệu quả rất thấp, không giám sát được. Luật này phải giải quyết các vấn đề này”, ông Lịch nhấn mạnh.

Về vấn đề này, đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) cho rằng: “Có HĐND ở hai cấp hay ba cấp cũng phải thể hiện được tinh thần gọn nhẹ, quyền làm chủ của nhân dân phải được phát huy tốt hơn”.

Phân cấp, phân quyền cụ thể hơn

Vấn đề phân cấp, phân chia quyền hạn, trách nhiệm cũng được các đại biểu tập trung phát biểu. Theo các đại biểu, cần quy định rõ việc phân cấp, phân quyền và chịu trách nhiệm, những việc gì chính quyền địa phương được phép làm và những gì không được phép làm.

Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) nhận xét: “Kỷ cương, kỷ luật hành chính chưa nghiêm là do không phân rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Quy định nhiều về quyền lực mà chưa rõ trách nhiệm. Phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho chính quyền địa phương chưa rõ ràng. Ví dụ, phân cấp theo hướng vấn đề y tế ở Trung ương thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm, ở địa phương thì do địa phương chịu trách nhiệm, rõ ràng, có thiết chế cụ thể. Chủ tịch UBND ở địa phương phải chịu trách nhiệm, không được đổ lỗi cho những nơi khác”.

Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) cho rằng: “Chi cho bộ máy chính quyền họat động đã tăng khoảng 6%, bộ máy quá cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả. Do vậy, phải đổi mới mô hình địa phương trên cơ sở phân công, phân cấp rõ ràng. Cần tiến hành tổng rà soát, đánh giá nhiệm vụ của từng cấp chính quyền. Làm rõ trách nhiệm của từng cấp chính quyền”.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng: “Quyền hạn trùng lắp, bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả. Việc xác định trách nhiệm rất khó khăn. Vì không rõ ràng nên việc giảm biên chế vừa qua đã không làm được. Cần có tinh thần đổi mới quyết liệt, quyền lực đi đôi với trách nhiệm. Phân định thẩm quyền chính quyền địa phương được làm gì và không được làm gì, phân cấp, phân quyền gì, quyền tới đâu, trách nhiệm ra sao phải được luật định. Như vậy, mới phát huy được quyền tự chủ, năng động, sáng tạo cho địa phương”.

Hữu Vinh
Nâng cao vai trò hội đồng nhân dân
Nâng cao vai trò hội đồng nhân dân

Góp ý vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhiều ý kiến cho rằng, việc không tổ chức hội đồng nhân dân (HĐND) quận, phường là một vấn đề hết sức quan trọng, cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi áp dụng rộng rãi bởi đây là một kênh giám sát quan trọng của dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN