Cơ cấu lại thời hạn trả nợ
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nêu câu hỏi: Cơn bão số 3 vừa qua ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống xã hội, gây thiệt hại lớn về người, tài sản; nhiều cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại nặng nề. Theo Báo cáo của Chính phủ, tổng thiệt hại về kinh tế do cơn bão số 3 gây ra ước tính trên 81.000 tỷ đồng, trong đó thiệt hại trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp gần 31.000 tỷ đồng, bằng 38% thiệt hại về kinh tế. Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành Ngân hàng có các chính sách hỗ trợ gì đối với các khách hàng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3?
Trả lời đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay sau khi bão số 3 xảy ra tác động nghiêm trọng tới người dân, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã trực tiếp đi khảo sát ở Hải Phòng và Quảng Ninh là hai tỉnh chịu sự tác động mạnh mẽ của cơn bão; xác định dư nợ của 2 tỉnh này là khoảng 12.000 tỷ đồng.
Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung quan tâm, rà soát các khách hàng vay vốn tại tổ chức mình để xác định, đánh giá mức độ thiệt hại các khoản dư nợ mà khách hàng và người dân đã vay tại ngân hàng. Theo đó, tổng hợp tại 26 tỉnh, thành phố, số dư nợ tín dụng bị thiệt hại khoảng 190.000 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo các quy định hiện hành; xem xét miễn giảm lãi cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động của cơn bão số 3. Cùng với đó, hệ thống ngân hàng tích cực tham gia các công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 40.000 tỷ đồng.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đến nay có 35 tổ chức tín dụng đã công bố các gói hỗ trợ với số vốn 405.000 tỷ đồng để tiếp tục cho doanh nghiệp, người dân vay mới. Tính đến ngày 31/10/2024, các ngân hàng đã thực hiện cho vay mới ưu đãi với số vốn lũy kế là 27.000 tỷ đồng; hạ lãi suất khoản vay hiện hữu với dư nợ khoảng 82.000 tỷ đồng...
Cân nhắc tiếp cận các nguồn vốn phù hợp
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2024, số doanh nghiệp mới thành lập tăng 9,7% nhưng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng tới 21% dù Chính phủ đã thực hiện rất nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các giải pháp về tín dụng.
Đại biểu chất vấn, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ những giải pháp thiết thực gì về tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đề ra là khá cao so với giai đoạn 2021 - 2024?
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đối với Việt Nam, nhu cầu đầu tư cho sản xuất, kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng, chỉ số dư nợ tín dụng/GDP hiện đã chiếm hơn 120% GDP. Do đó, trong tổ chức điều hành về tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã hết sức cân nhắc.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện có rất nhiều nguồn vốn cho doanh nghiệp và người dân như nguồn vốn tự có, nguồn vốn vay ngân hàng, nguồn vốn thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp của nước ngoài, nguồn vốn vay nợ (hiện đã có cơ chế doanh nghiệp đi vay vốn nước ngoài, có khả năng tự vay - tự trả cũng có khuôn khổ pháp lý)…
Do đó, bản thân doanh nghiệp và người dân cần cân nhắc tiếp cận các nguồn vốn phù hợp. Còn khi tiếp cận nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, các tổ chức và cá nhân phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn được vay; trong đó điều kiện quan trọng nhất là khách hàng đó phải có khả năng trả nợ, doanh nghiệp và người dân phải có phương án kinh doanh khả thi. Điều này đòi hỏi hỗ trợ từ nhiều bộ, ngành liên quan như giải pháp về thị trường, tư vấn pháp lý và giải pháp về sản phẩm, bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn. Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng thực hiện giải pháp hỗ trợ tín dụng nhưng vẫn kiểm soát lạm phát.