Mạng xã hội mới đây đã chia sẻ hình ảnh hai thanh niên đi xe máy vi phạm giao thông, gây gổ với người đi đường khi đi trên đường Vành đai 2 đoạn qua quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Đây là tuyến đường chỉ dành cho xe ô tô. Tại Cơ quan công an, hai đối tượng bày tỏ hối hận, chỉ vì bộc phát, không kiểm soát được hành vi dẫn tới ẩu đả và phải đối diện với án tù.
Ra đường, va chạm giao thông, thay vì hòa giải, đỡ nhau đứng dậy, hỏi han, xem xét thỏa thuận bồi thường, nhiều người lại sử dụng biện pháp "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay", đấu khẩu với nhau. Không ít vụ việc đáng tiếc đã xảy ra từ những hành vi trên dẫn đến người nhập viện, kẻ vào nhà giam.
Ngày 20/2, Công an quận Bắc Từ Liêm đã ra lệnh tạm giữ hình sự, củng cố hồ sơ, khởi tố đối tượng Nguyễn Lê Tuấn Đức về hành vi hủy hoại tài sản. Trong quá trình di chuyển, ô tô Mazda của Đức và xe bus xảy ra va chạm. Đức phóng lên, cho xe chặn đầu xe bus rồi cầm dao quắm xuống chửi bới, đe dọa, chém nhiều nhát vào kính chắn gió và lốp xe bus, làm xước kính, rách lốp. Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự UBND quận Bắc Từ Liêm xác định tài sản bị hủy hoại trị giá 18 triệu đồng. Đức sau đó bỏ trốn khỏi nơi cư trú, được gia đình vận động đưa đến Cơ quan công an trình diện.
Nhiều người ra đường "mặt đỏ như vang", thể hiện máu "yêng hùng", hơn người, sẵn sàng buông lời thô tục khi thấy "ngứa mắt", hung hăng, hành hung người khác khi có va chạm, nhưng khi ngồi trong đồn công an mặt lại "vàng như nghệ". Đến khi nhận ra thì đã muộn.
Ranh giới giữa vi phạm hành chính và vi phạm hình sự rất mong manh, nếu không kiểm soát được cảm xúc, nếu mỗi người không tự xây dựng cho mình văn hóa, văn minh khi tham gia giao thông.
Năm 2023, trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, cả nước đã xảy ra 79 vụ chống người thi hành công vụ, làm 1 đồng chí hy sinh, 44 đồng chí bị thương. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ chống người thi hành công vụ tăng 53 vụ (203,85%). Lực lượng chức năng đã bắt giữ 79 đối tượng, xử lý hình sự 36 vụ, xử lý hành chính 2 vụ, tiếp tục điều tra 41 vụ.
Việc người điều khiển phương tiện mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ; xe ô tô chiếm hết làn đường dành cho xe máy khiến xe máy phải đi lên vỉa hè… là những hình ảnh thường xuyên xuất hiện trên các nẻo đường của Thủ đô Hà Nội. Thậm chí, có những xe ô tô do đi vào làn trong cùng quá hẹp đã đi một phần trên vỉa hè, một phần trên đường. Chuyện xe ô tô đi ngược chiều cũng không phải là hiếm gặp.
Có thể nói, phần lớn các vụ tai nạn giao thông xảy ra bắt nguồn từ việc không tuân thủ pháp luật, phi văn hóa khi tham gia giao thông. Một nghiên cứu chỉ ra rằng 95% số vụ tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện; trong đó chiếm phần lớn là các lỗi đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn.
Phân tích số liệu vi phạm trật tự, an toàn giao thông năm 2023 cho thấy, trong số hơn 3,4 triệu trường hợp vi phạm, vi phạm nồng độ cồn chiếm 23,04%; chạy quá tốc độ quy định chiếm 19,83%; lái xe dương tính với chất ma túy chiếm 0,09%; vi phạm làn đường, phần đường chiếm 2,24%...
Theo phân tích từ các vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng, nguyên nhân do đi không đúng chiều đường, phần đường, làn đường chiếm tới 23,53%; không chấp hành quy định về tốc độ chiếm 14,71%; không chú ý quan sát chiếm 11,76%; chuyển hướng không đúng quy định chiếm 5,88% và sử dụng rượu, bia chiếm 8,82%.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng chia sẻ, thượng tôn pháp luật là cơ sở đầu tiên để xây dựng văn hóa giao thông. Chính vì vậy, hai năm liền 2023, 2024, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia lựa chọn chủ đề của Năm An toàn giao thông là "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn".
Ngày 9/1, phát động ra quân Năm An toàn giao thông 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh vào ba mục tiêu; trong đó, mục tiêu "nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn" được đặt lên hàng đầu. Tiếp đến là kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính và tại các đô thị lớn.
Văn hóa giao thông không phải đâu xa mà bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, giản dị như hành động tôn trọng, nhường nhịn khi tham gia giao thông, đi đúng phần đường, làn đường, xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông.
Ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông, điều dễ nhận thấy là giảm bớt ùn tắc, tai nạn giao thông. Hãy ứng xử với nhau nhân văn hơn, văn hóa hơn, để xây dựng một xã hội văn minh, giao thông an toàn, thân thiện.