Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Tổ viên Thường trực Tổ công tác liên ngành, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, về thành quả qua hơn 8 năm Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, cũng như dấu ấn bước đầu của Đội Công binh - đội hình cấp đơn vị lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ này.
Hơn 8 năm kể từ khi Việt Nam cử những sỹ quan đầu tiên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, quá trình này đã giúp chúng ta thu được rất nhiều bài học kinh nghiệm. Giải pháp nào để phát huy những kinh nghiệm đó trong công tác huấn luyện, đào tạo cũng như mở rộng lực lượng tham gia trong thời gian tới, thưa Thiếu tướng?
Sau hơn 8 năm kể từ khi Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở các phái bộ, Việt Nam đã gặt hái được rất nhiều kết quả tích cực. Trong thời gian qua, có một số sự khác biệt giữa các kiến thức mà các sỹ quan được trau dồi, bồi dưỡng từ khi còn ở trong nước với thực tế ở địa bàn. Mới đây, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm công tác tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đây là hoạt động rất cần thiết để rút kinh nghiệm, tìm ra những giải pháp lớn nhằm chuẩn bị triển khai và mở rộng lực lượng tới các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Hơn 8 năm qua, sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ với bạn bè quốc tế; trở thành sứ giả của nền văn hóa yêu chuộng hòa bình của Việt Nam. Đồng thời, sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam cũng có cơ hội cọ xát với môi trường có tính tác chiến cao. Trong khi chúng ta có được hòa bình trong nước và không có điều kiện để triển khai những hoạt động mang tính tác chiến cao, nhạy cảm như ở các phái bộ, đây là cơ hội để các sỹ quan cọ xát, thử lửa, trưởng thành trong một môi trường thực tế. Tất cả các kết quả đã đạt được cũng cần được đánh giá, kiểm tra lại một cách khách quan, tổng thể để phù hợp hơn với đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, với chủ trương của Quân ủy Trung ương là hội nhập quốc tế và mở rộng việc tham gia của Việt Nam trong thời gian tới.
Hội nghị rút kinh nghiệm công tác tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã chỉ ra những kinh nghiệm để tiếp tục triển khai mở rộng hơn các lực lượng, kể cả về cá nhân và đơn vị, cũng như các hình thức tham gia, nhằm góp phần thể hiện cam kết lâu dài của Việt Nam với Liên hợp quốc. Những hoạt động rút kinh nghiệm có ý nghĩa rất quan trọng đối với Quân đội, mà trực tiếp là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam khi có trách nhiệm chuẩn bị lực lượng và chỉ huy điều hành các lực lượng tại các phái bộ của Liên hợp quốc. Hội nghị đã đem lại kết quả rất tích cực khi chúng tôi nhận được ý kiến đóng góp của bạn bè quốc tế, các ban, bộ, ngành Trung ương về các kết quả cũng như giải pháp sắp tới trong việc triển khai và mở rộng triển khai các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Đội Công binh số 1 là đội hình cấp đơn vị với quân số lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Xin Thiếu tướng chia sẻ về những kết quả bước đầu của Đội sau hơn 2 tháng triển khai tại địa bàn phái bộ?
Đội Công binh số 1 của Việt Nam đã triển khai tới phái bộ An ninh lâm thời của Liên hợp quốc tại Abyei (UNISFA). Đây là lần đầu tiên trong hơn 8 năm qua Việt Nam triển khai một đội hình lớn như vậy để tham gia vào hoạt động công binh tại phái bộ. Đứng trước một nhiệm vụ rất khó khăn, Đội Công binh số 1 của Việt Nam đã thực sự đáp ứng được đòi hỏi của Liên hợp quốc, lấy được lòng tin của lãnh đạo phái bộ khi xây dựng một doanh trại mới ở đường Highway. Bên cạnh đó, Đội cũng thực hiện những nhiệm vụ như làm lại lán, trại, những nơi đóng quân cho đơn vị mình cũng như cho Sở Chỉ huy của phái bộ tại Abyei.
Ngoài ra, Đội Công binh của Việt Nam còn hỗ trợ người dân ở địa bàn để có những con đường đi lại thuận lợi. Trước đây, các cháu bé đến trường hay người dân đi lại đều rất khổ sở vì những trận lũ lụt. Điều này tạo nên hình ảnh rất mới của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam khi chúng ta triển khai thực hiện được những nhiệm vụ khó khăn này.
Trước đây, đã có nhiều quốc gia mong muốn được triển khai nhưng khi đến khảo sát phái bộ tại Abyei, họ thấy đây là những nhiệm vụ khó khăn và không khả thi đối với lực lượng của họ nên có nhiều quốc gia đã từ chối tham gia. Đối với lực lượng của Việt Nam, thực tế ở trong nước chúng ta đã thực hiện nhiều công trình quốc phòng tầm cỡ và quy mô cao hơn, do đó, những hoạt động cụ thể tại phái bộ UNISFA như làm đường, làm sân bay, doanh trại hay hỗ trợ xây dựng lán trại, trường học... đều là những công việc rất thường nhật mà công binh Việt Nam với trình độ, năng lực của mình đã đảm nhận một cách rất trọn vẹn.
Vì vậy, chúng ta đã đem lại một diện mạo mới cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở phái bộ, nhận được sự tin yêu của chính quyền địa phương đối với lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam. Công binh của Việt Nam đã khẳng định hình ảnh tươi mới của Bộ đội Cụ Hồ trước bạn bè quốc tế tại phái bộ và người dân địa phương.
Trong thời gian tới, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam có kế hoạch như thế nào để xây dựng thành một trung tâm huấn luyện tầm cỡ khu vực và quốc tế, thưa Thiếu tướng?
Công tác huấn luyện, đào tạo lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng coi là sự chuẩn bị cần thiết. Đây cũng là yêu cầu cao đối với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam khi có nhiệm vụ chuẩn bị đưa các lực lượng ra ngoài phái bộ.
Trong hơn 8 năm qua, công tác huấn luyện, đào tạo của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam nói riêng cũng như của Quân đội nói chung cho các lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã được chú trọng ở mức rất cao. Liên hợp quốc đã rất hài lòng với kết quả chúng ta đạt được sau mỗi khóa huấn luyện tiền triển khai. Khi huấn luyện đào tạo, chúng tôi chú trọng đến huấn luyện về kỹ năng sinh tồn, kỹ năng công binh, quân y cũng như khả năng tác chiến cho các lực lượng.
Bên cạnh đó, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam còn tổ chức huấn luyện về kiến thức đối ngoại quốc phòng, về văn hóa, đất nước-con người, kiến thức để các quân nhân khi được triển khai tới các phái bộ có thể thực hiện những hoạt động quân-dân sự kết hợp. Đó là những yếu tố làm nên hình ảnh mới của bộ đội Việt Nam nói riêng, cũng như của sỹ quan Liên hợp quốc nói chung ở phái bộ.
Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ chăm sóc trẻ em, giảng dạy ở các nhà trường hay may khẩu trang, trồng rau xanh... là những hình ảnh rất tươi mới mà trước đây ở các phái bộ chưa có. Việc sỹ quan Việt Nam chấp hành kỷ luật cao và trong hơn 8 năm qua không một sỹ quan nào của chúng ta bị bất kỳ một hình thức kỷ luật nào cũng đã ghi dấu ấn mạnh mẽ đối với lãnh đạo Liên hợp quốc và lãnh đạo các phái bộ. Sỹ quan của Việt Nam do đã được huấn luyện, đào tạo rất cơ bản, đã góp phần khẳng định diện mạo mới về người sỹ quan gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Hiện nay, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cũng đã cử nhiều cán bộ, sỹ quan có kinh nghiệm đi giảng dạy, nghiên cứu ở các Trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình của các quốc gia khác.
Thời gian tới, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác huấn luyện, đào tạo với mục tiêu xây dựng Cục thành một trung tâm huấn luyện mang tầm cỡ quốc tế và khu vực. Chúng tôi cũng đang hỗ trợ Bộ Công an chuẩn bị các lực lượng triển khai ở các phái bộ, phối hợp với các quốc gia khác tổ chức huấn luyện nhiều khóa quốc tế.
Tin tưởng rằng, với việc Liên hợp quốc đánh giá cao chất lượng các khóa huấn luyện và với những kết quả đã đạt được, chúng ta sẽ tiếp tục thu được những thành quả mới và làm mới thêm chương trình huấn luyện của Quân đội Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cũng như sự đòi hỏi về nhiệm vụ mà Liên hợp quốc giao phó.
Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!.