Hiệp định Pari - quyết định chiến lược đúng đắn

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, Đại sứ Dương Văn Quảng (ảnh), Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Pháp về ý nghĩa lịch sử của sự kiện này cũng như sự ủng hộ của bạn bè Pháp vào thắng lợi trên.

 


Theo Đại sứ Dương Văn Quảng, trong bối cảnh đối đầu giữa ta và Mỹ cách đây 40 năm, việc ký kết Hiệp định Pari là một bước ngoặt quyết định cho những sự kiện diễn ra sau đó. Hiệp định Pari hội tụ đủ các điều kiện kể cả về chiến lược, quân sự, chính trị lẫn ngoại giao cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, thể hiện rất rõ một quyết định đúng đắn về mặt chiến lược của Việt Nam. Đó là chiến lược giành thắng lợi từng bước tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn trên cả ba mặt trận: chính trị, quân sự và ngoại giao.


Đại sứ Dương Văn Quảng khẳng định chúng ta phải thực hiện phương châm "vừa đánh, vừa đàm" vì chúng ta không thể đánh thắng Mỹ một cách tuyệt đối trên chiến trường. Vì vậy, chúng ta phải có cách đánh và cách thắng Mỹ phù hợp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Việt Nam đã biết cách xây dựng ngoại giao thành một mặt trận và đây là một sự sáng tạo. Ngoại giao đã thể hiện được vai trò chủ động của mình, góp phần quan trọng tiến tới kết thúc cuộc chiến tranh một cách thuận lợi nhất.


Hiệp định Pari còn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đó là quy định các điều khoản liên quan đến chính trị, các lực lượng chính trị, tổng tuyển cử và việc thành lập cơ cấu chính quyền tại miền Nam Việt Nam. Theo Đại sứ, các diễn biến lịch sử cách đây 40 năm cho thấy Hiệp định Pari đã tạo mọi tiền đề để chúng ta kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vào năm 1975.


Đề cập những khó khăn và thuận lợi với Việt Nam khi tiến hành các cuộc đàm phán, Đại sứ Dương Văn Quảng cho biết trong bối cảnh quốc tế phức tạp, quan hệ giữa các nước lớn cũng như nội bộ từng khối, đặc biệt trong những thập niên 1960 - 1970 với trật tự thế giới chia làm hai cực mang tính đối kháng trên mọi khía cạnh, nhưng Việt Nam đã có những thuận lợi nhất định khi tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là khi mở ra cục diện "vừa đánh, vừa đàm". Việt Nam đã thành công trong việc vận động, tập hợp được tất cả lực lượng thuộc phe XHCN ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Do hành động xâm lược của Mỹ là phi nghĩa, nên Việt Nam đã tạo dựng được một mặt trận nhân dân thế giới phản đối chiến tranh. Đây là một sáng tạo của ngoại giao Việt Nam và vai trò của ngoại giao nhân dân thời kỳ đó là vô cùng quan trọng.


Theo Đại sứ Dương Văn Quảng, yếu tố quyết định dẫn tới thắng lợi chính là chính sách độc lập, tự chủ của Việt Nam. Việt Nam đã lựa chọn, xác định rõ quan điểm độc lập, tự chủ trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng đất nước. Đại sứ khẳng định chiến lược "quân sự, chính trị và ngoại giao" là những yếu tố không thể thiếu có thể mang lại thành công cho cuộc đàm phán Pari nói riêng và cuộc cách mạng giải phóng dân tộc nói chung.


Về việc Việt Nam nhận được rất nhiều sự ủng hộ của bạn bè Pháp, nhất là từ Đảng Cộng sản Pháp, và cộng đồng người Việt tại Pháp trong quá trình đàm phán Hiệp định Pari, Đại sứ Dương Văn Quảng nhấn mạnh Việt Nam đã tạo dựng được một mặt trận nhân dân thế giới, đoàn kết tất cả các lực lượng chính trị tiến bộ trên thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa. Pari hội tụ ba điều kiện để trở thành nơi thích hợp tiến hành đàm phán. Đó là cộng đồng người Việt đông đảo luôn ủng hộ cuộc kháng chiến của dân tộc, trong đó có rất nhiều sinh viên đi từ miền Nam sang Pháp du học. Tại Pháp, họ đã nhận thức rõ được tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đã gia nhập phong trào của những người Việt Nam yêu nước. Vì vậy, đóng góp của cộng đồng người Việt tại Pháp là vô cùng to lớn. Đó là vai trò của Đảng Cộng sản Pháp (PCF), một lực lượng chính trị rất mạnh ở Pháp lúc bấy giờ. Ngoài sự giúp đỡ về vật chất rất to lớn mà PCF dành cho đoàn Việt Nam tham gia đàm phán, PCF còn có vai trò tích cực trong việc tập hợp các lực lượng chính trị và nhân dân Pháp ủng hộ cuộc kháng chiến của ta và phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ. PCF còn là cầu nối giữa Việt Nam và Pháp vì hai nước lúc bấy giờ chưa có quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ. Một nguyên nhân nữa là vai trò của dư luận. Không ở đâu có khả năng tập hợp được dư luận và thông tin một cách nhạy bén như ở Pari, địa điểm có thể ví như đầu não thông tin của thế giới lúc bấy giờ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam luôn chiếm gần một nửa thời lượng thông tin thời sự quốc tế, đặc biệt là giai đoạn cuối của tiến trình đàm phán Hiệp định Pari. Thực tế, Việt Nam đã tận dụng được Pari như là một đầu não thông tin để tuyên truyền tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược, từ đó tập hợp được lực lượng và dư luận thế giới ủng hộ Việt Nam.


Lê Hà - Nguyễn Tuyên(P/v TTXVN tại Pháp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN