Tại Bến xe Giáp Bát, xe khách ồ ạt vào bến, xe ôm và taxi chen lấn chèo kéo khách. Anh Hà Hữu Bình xuống xe và bức xúc phản ánh việc nhà xe Tùng Lâm, biển số 36B-02126 chạy Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đi Hà Nội tăng giá vé từ 100.000 đồng lên 150.000 đồng. “Tôi thấy giá vé nhà xe niêm yết tại cửa là 100.000 đồng, khi lên xe bị thu tăng 50%. Hành khách trên xe phản đối, nhà xe bảo không đi thì xuống. Vì công việc, mọi người đành chấp nhận”, anh Bình nói.
Nhà xe Thịnh Long, biển số 18B-00616 chạy tuyến Nam Định - Hà Nội cũng tăng giá vé từ 70.000 đồng lên 100.000 đồng. Hành khách xuống xe tại Bến xe Giáp Bát cho hay, ngày lễ tết nào các nhà xe cũng đều tăng giá vé. Họ có kêu, phản ánh nhưng giá vé vẫn cứ tăng, đành im lặng mà đi cho an toàn.
Nhà xe Tùng Lâm tăng 50% giá vé so với ngày thường.. |
Nghe phóng viên phản ánh, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Bến xe Giáp Bát đã kiểm tra các nhà xe được phép tăng giá vé. Qua xác minh, nhà xe Tùng Lâm được đầu Sở Giao thông - Vận tải Thanh Hóa cho phép tăng giá vé từ 100.000 đồng lên 140.000 đồng (tăng 40% từ 17/1 – 6/2). Như vậy, nhà xe Tùng Lâm tự ý tăng giá vé lên 10.000 đồng so với cho phép... Nhà xe Thịnh Long không nằm trong danh sách 21 đơn vị được phép tăng giá vé.
Ông Nguyễn Hoàng Tùng chia sẻ: “Bến xe Giáp Bát kiểm tra nghiêm ngặt và xử lý các nhà xe tự ý tăng giá vé. Tuy nhiên, đây là đầu từ các tỉnh về Hà Nội nên thẩm quyền xử lý thuộc về các đơn vị chức năng trên đường. Tôi đồng ý việc nhà xe tăng giá vé vào dịp Tết để bù chạy xe một chiều, nhưng tăng khoảng 20 - 30% thì hành khách chấp nhận được, tăng giá vé cao quá thì cần phải xử lý nghiêm”.
Cuối giờ chiều cùng ngày, tại Bến xe Nước Ngầm, xe khách đổ về liên tục. Ghi nhận của phóng viên tại bến, một số nhà xe đã tăng giá vé so với giá vé niêm yến trên xe. Quản lý Bến xe Nước Ngầm cho biết, các nhà xe đã được đầu Sở Giao thông - Vận tải nơi đi cho phép tăng giá vé.
Bà Nguyễn Thị Hoa phản ánh đi xe Phú Quý, biển số 37B - 00658 chạy tuyến Hà Tĩnh - Hà Nội bị thu giá vé 250.000 đồng. Bà Hoa nói: “Tôi lên xe từ TP Thanh Hóa nhưng bị thu tiền vé bằng người đi từ Hà Tĩnh. Khi lên xe, nhà xe nói sẽ đưa đến Bến xe Mỹ Đình, nhưng ra Bến xe Nước Ngầm là thả khách, không có trách nhiệm nữa. Tôi không hiểu, các lực lượng chức năng làm gì mà không kiểm tra nhà xe nhồi nhét khách và tăng giá vé?".
Nhà xe Minh Hóa chạy Nghĩa Đàn (Nghệ An) đi Hà Nội niêm yết giá vé 160.000 đồng nhưng thu của hành khách 250.000 đồng. |
Sinh viên Bùi Thị Thành đi nhà xe Minh Hóa, biển số 37B-00314 chạy tuyến Nghĩa Đàn (Nghệ An) đi Hà Nội. Xuống xe, chị Thành cho biết: “Tuyến này ngày thường, tôi đi chỉ mất 160.000 đồng, hôm nay bị thu giá vé lên 250.000 đồng. Sinh viên không có tiền, nhưng đành chịu, vì nhà xe nào cũng tăng như vậy”. Qua kiểm tra, nhà xe này niêm yết giá vé là 160.000 đồng. Tuy nhiên, phụ trách Bến xe Nước Ngầm cho biết nhà xe này có quyết định tăng giá vé lên 245.000 đồng trong dịp chạy Tết.
Các nhà xe đều cho rằng, chạy xe phục vụ hành khách trong dịp Tết thường chỉ chạy một chiều, vì vậy phải tăng giá vé mới bù cho chiều chạy xe không. Qua danh sách đơn vị điều chỉnh tăng giá vé Tết mà Bến xe Giáp Bát cung cấp, có nhà xe được tăng giá vé trên 60%. Cụ thể, Công ty CP TMDV Thuận Ý Gia Lai có xe chạy tuyến Gia Lai - Hà Nội tăng giá vé từ 580.000 đồng lên 930.000 đồng (tăng 60,34%)... Lãnh đạo các bến xe ở Hà Nội chỉ lắc đầu, vì đầu Sở Giao thông - Vận tải nơi xuất phát đã cho phép theo quy định?!