Nội dung làm việc là về kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Tham dự buổi làm việc có quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng; Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang của tỉnh; Bí thư Huyện ủy các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quản Bạ, Đồng Văn, Hoàng Su Phì và Thành ủy Hà Giang.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thanh Mẫn biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao Hà Giang đã có những cách làm hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của tỉnh. Kể từ khi công bố quyết định kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang vào 24/7/2023 tới nay, Tổ công tác đã làm việc nghiêm túc, cơ bản hoàn thành, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.
Đoàn kiểm tra bước đầu ghi nhận, công tác đánh giá cán bộ của Hà Giang có nhiều sáng tạo, được thực hiện theo hướng liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm cụ thể. Địa phương đã mở hòm thư góp ý đối với cán bộ và tổng hợp hàng tháng; coi trọng xử lý thông tin dư luận, đơn thư phản ánh của nhân dân về cán bộ, đảng viên, công chức hàng năm. Về việc bố trí Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương, hiện tại, đồng chí quyền Bí thư Tỉnh ủy; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang và 11/11 Bí thư Đảng bộ huyện, thành phố đều không là người địa phương. Tỉnh đang phấn đấu từ nay đến năm 2025, 100% Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã không là người địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, Hà Giang là một trong những tỉnh nghèo, khó khăn nhất của cả nước; nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới giao thông đi lại rất khó khăn, thiên tai liên tiếp xảy ra. Toàn tỉnh có 19 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số; phong tục, tập quán, hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc ở một số địa phương còn nặng nề. Điều kiện kinh tế, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho cán bộ còn thiếu thốn. Việc cân đối kinh phí để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện chính sách ưu đãi, thu hút, trọng dụng nhân tài, cán bộ giỏi, có trình độ cao về Hà Giang công tác rất khó khăn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội thẳng thắn chỉ rõ 8 nhóm hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cán bộ tại Hà Giang như: Chưa kịp thời thay thế những cán bộ năng lực hạn chế, không đủ uy tín; một bộ phận cán bộ ngại học tập, nghiên cứu, rèn luyện; công tác bồi dưỡng cán bộ một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu…
Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; triển khai hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; tăng cường công tác xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, kêu gọi vào khu công nghiệp, khu kinh tế; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đồng thời, địa phương cần tập trung phân cấp triển khai thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia; phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc; đẩy mạnh quảng bá du lịch Hà Giang; duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm trở lên, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Giang, quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng khẳng định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang sẽ tiếp tục phát huy những mặt ưu điểm, đồng thời khắc phục những mặt hạn chế Tổ công tác chỉ ra nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.