Kính chào Giáo sư, Tiến sỹ Andreas Stoffers. Ông có thể chia sẻ những đánh giá của mình về mối quan hệ Việt - Đức trong thời gian qua?
Quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam được thiết lập từ năm 1975 đến nay, Việt Nam cũng có mối quan hệ chặt chẽ với Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây. Trong những năm qua, mối quan hệ giữa hai nước đã phát triển rất tích cực, trên tất cả các lĩnh vực, và tôi rất vui mừng vì điều đó.
Hai nước đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác và đã nâng cấp quan hệ lên thành "Đối tác chiến lược" từ năm 2011. Có thể thấy rằng ngày nay có nhiều doanh nghiệp Đức hoạt động tại Việt Nam cũng như nhiều người Đức sinh sống ở Việt Nam; đồng thời cũng có rất đông người Việt sinh sống tại Đức. Mặc dù chưa có số liệu thật chính xác nhưng ước chừng có khoảng 150.000 đến 160.000 người Việt đang sinh sống ở Đức. Điều đó minh chứng cho quan hệ chặt chẽ, tốt đẹp mà hai nước chúng ta đã và đang có.
Ông có thể cho biết triển vọng của mối quan hệ giữa hai nước Việt - Đức trong thời gian tới?
Tôi nghĩ triển vọng hợp tác giữa hai nước là rất tốt trong thời gian tới và sẽ ngày càng sâu sắc hơn. Tất cả là nhờ mối quan hệ gần gũi, thân thiện và tin cậy giữa hai nước. Một mặt, hai nước đã có nền tảng quan hệ rất tốt trong quá khứ. Hiện nay, cộng đồng người Việt sinh sống và làm việc tại Đức cũng là nhịp cầu quan trọng làm sâu sắc thêm mối quan hệ này.
Mặt khác, Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại giữa Đức và Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện tại Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, chỉ còn chờ Nghị viện các nước thành viên EU phê chuẩn nữa, sẽ đảm bảo an toàn, công bằng cho không chỉ các khoản đầu tư từ Đức vào Việt Nam mà còn theo hướng ngược lại, từ Việt Nam tới Đức, vì Việt Nam luôn phát triển rất tốt.
Thưa ông, các doanh nghiệp Đức đánh giá thế nào về môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam hiện nay?
Hiện tại có hơn 300 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam. Thực sự thì đó là con số không lớn nếu nếu so sánh với Hàn Quốc. Nhưng tôi hy vọng rằng trong tương lai sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Đức đến đầu tư tại Việt Nam, đó là do mối quan hệ giữa hai nước rất tốt đẹp và ở Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư kinh doanh, cũng như tình hình chính trị ổn định, điều kiện an ninh và triển vọng phát triển tốt.
Trong bối cảnh Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực, Hiệp định EVIPA đang trong quá trình phê duyệt bước cuối cùng, hai nước Việt Nam và Đức cần làm gì để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương và để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Đức đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam?
Tôi nghĩ cả hai phía đều phải nỗ lực. Một mặt, tất nhiên là nhiệm vụ của nước Đức và những người Đức ở Việt Nam và những người muốn làm ăn với Việt Nam, đóng vai trò như là nhà đầu tư và đối tác thương mại, cần phải thúc đẩy hợp tác đầu tư với Việt Nam.
Mặt khác, điều rất quan trọng là Việt Nam cần phải bắt đầu chiến dịch quảng cáo hình ảnh của riêng mình một cách mạnh mẽ và hấp dẫn hơn nữa đối với các nhà đầu tư Đức nói riêng, châu Âu nói chung. Tất nhiên Việt Nam cũng cần phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện tốt nhất để đón các nhà đầu tư mới.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư, Tiến sỹ Andreas Stoffers đã tham gia trả lời phỏng vấn của báo Tin tức.