Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì hội thảo với sự tham gia của các đại biểu đến từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, đại diện UBND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tài chính, kinh tế, bất động sản…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản ra đời đã tạo ra hành lang pháp lý, thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản và nhà ở trong thời gian qua. Trong quá trình thực thi, bên cạnh những đóng góp đã đạt được, sau gần 10 năm đi vào cuộc sống, Luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, sự chồng chéo với các luật liên quan làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhà ở và thị trường bất động sản. Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan, nhận diện những bất cập và đề xuất những nhóm chính sách. Trên cơ sở đó, Ban soạn thảo đã có 2 dự thảo gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức các hội thảo liên quan tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có tác động lớn đến xã hội và người dân, cũng như đến sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Vì vậy, Hội thảo mong muốn lắng nghe các ý kiến trực tiếp của các đại biểu địa phương đối với 2 Luật này. Các doanh nghiệp trực tiếp liên quan đến 2 Luật sửa đổi cần có những ý kiến đóng góp về việc thực thi các chính sách, thủ tục hành chính, tính đồng bộ đối với các quy định khác... Qua đó, Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn chỉnh tốt hơn để trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất vào Kỳ họp tháng 5/2023 và thông qua trong Kỳ họp tháng 10/2023 nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật liên quan, tạo được hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, tạo được quỹ nhà ở cho người dân.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, thành viên Hội Luật gia Quảng Bình nêu ý kiến, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có nhiều điểm đổi mới, trong đó quy định thời hạn sử dụng chung cư là một đột phá. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đồng tình với phương án 1 về việc bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư được căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng; việc xử lý khi nhà chung cư còn thời hạn sở hữu và khi hết thời hạn sở hữu.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương kiến nghị, cần rà soát, căn nhắc kỹ tính tương thích, phù hợp, xác định vai trò, trách nhiệm để Luật Nhà ở (sửa đổi) không chồng chéo, vướng mắc; đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và các luật liên quan nhằm hoàn thiện chính sách đồng bộ về nhà ở. Theo ông Phương, việc sửa đổi luật phải tập trung vào các vướng mắc, bất cập để hoàn thiện chính sách về quy hoạch, chiến lược, chương trình phát triển nhà ở, đảm bảo tính dự báo quá trình phát triển, sớm tạo cơ sở pháp lý xử lý vi phạm về nhà ở…
Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty Cổ phần đô thị FPT Đà Nẵng (chủ đầu tư một dự án nhà chung cư đang xây dựng gần 4 nghìn căn hộ tại khu vực phía Đông Nam của thành phố Đà Nẵng) cho rằng: Quy định nhà ở chung cư nên giữ nguyên theo văn bản luật hiện nay về sở hữu nhà chung cư và không nên thêm thời hạn sở hữu nhà ở. Vấn đề xử lý nhà chung cư xuống cấp đã có Luật Xây dựng. Nếu đưa thời hạn sở hữu nhà chung cư vào sẽ ảnh hưởng đến tâm lý chung của người mua, dẫn đến tình trạng hạn chế mua chung cư và ảnh hưởng đến chương trình phát triển nhà ở chung cư của Chính phủ.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã trao đổi, đề xuất, kiến nghị, góp ý cho dự thảo về việc xử lý đối với người vi phạm pháp luật về nhà ở như cần bổ sung quy định xử lý các trường hợp lợi dụng điều kiện, hoàn cảnh để mua căn hộ chung cư nhằm mục đích buôn bán; các vấn đề về chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; các vấn đề về cải tạo, xây dựng, quản lý nhà chung cư…