Tại hội nghị đã có 11 ý kiến tham gia vào 9 nhóm vấn đề lớn. Trong đó, một số nhóm vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và góp ý sâu sắc, như quy định về bồi thường khi thu hồi đất và giá đất đền bù; việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định về hỗ trợ một số cơ quan khi giải phóng mặt bằng; về thời hạn sử dụng đất…
Theo nhiều ý kiến tại hội nghị, chính sách đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trong nhiều năm qua chưa đạt được yêu cầu theo nguyên tắc người bị thu hồi đất được chuyển đến nơi mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở hiện tại. Thực tế, người dân có đất bị thu hồi vẫn bị thiệt thòi. Do đó, đề nghị Luật Đất đai sửa đổi cần quy định rõ thêm chính sách giá đền bù phải theo giá thị trường để người dân bị thu hồi vẫn đảm bảo được điều kiện sống. Đồng thời, Luật cũng cần quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư dự án về tái định cư cho người dân trước khi tiến hành xây dựng công trình; trách nhiệm của chính quyền nơi có đất bị thu hồi để đảm bảo quyền lợi người dân bị thu hồi đất. Có ý kiến cũng đề xuất Luật cần cụ thể và hạn chế danh mục nhà nước thu hồi đất.
Đối với việc thu hồi đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại, Luật gia Đoàn Quang Định, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Hải Dương cho rằng, mục tiêu mà chủ đầu tư hướng tới là lợi nhuận. Trong khi đó, dự thảo Luật lại đưa dự án này vào danh mục dự án nhà nước thu hồi đất, điều này dễ dẫn đến nguy cơ bị doanh nghiệp lợi dụng. Đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân với doanh nghiệp đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại. Đồng thời, phải có quy định về thời hạn thỏa thuận giữa doanh nghiệp với người bị thu hồi đất. Về bồi thường tái định cư, cần quy định cụ thể thời hạn hoàn thành tái định cư trước khi tiến hành thu hồi đất, quy định rõ điều kiện được hưởng tái định cư.
Ông Lương Anh Tế, Hội đồng tư vấn về kinh tế - xã hội Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương cho rằng, dự thảo cần làm rõ ý “bảo đảm cho người có đất ở và có nhà đang ở bị thu hồi”, cần lượng hóa việc “bảo đảm cho người bị thu hồi đất ở bằng hoặc tốt hơn”. Đối với Điều 97 về quy định không bồi thường cho trường hợp bị thu hồi đất đã được cấp trái thẩm quyền, ông Lương Anh Tế cho rằng không phù hợp, cần xem xét lại.
Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hải Dương đề nghị dự thảo Luật cần mở rộng đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm và tín dụng khi bị thu hồi đất, không chỉ dừng lại ở đối tượng trong độ tuổi lao động.
Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Cẩm Giàng đề nghị làm rõ những công trình nào phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng để thuận lợi cho quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng. Đại biểu cũng băn khoăn về kinh phí hỗ trợ cho 1 số cơ quan hỗ trợ giải phóng mặt bằng vì quy định hiện hành còn chung chung, chưa cụ thể...
Tiếp thu ý kiến các đại biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương Nguyễn Đức Tuấn đánh giá các ý kiến đã cơ bản bao quát các nhóm vấn đề lớn, đặc biệt là các chính sách về thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư; giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất… Các Ban chuyên môn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương sẽ tập hợp, tiếp tục thu nhận các góp ý bổ sung của các đại biểu, các tổ chức thành viên sau hội nghị này để hoàn thiện bản góp ý.