Đồng chủ trì Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội; các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các Hội đồng Tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản ban hành từ năm 2014 đã tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản và nhà ở trong thời gian qua. Tuy nhiên, sau hơn 8 năm đi vào cuộc sống, trong quá trình thực thi, các luật này đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế, có nhiều quy định chồng chéo với các luật liên quan, có những quy định không còn phù hợp với thực tiễn.
Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, việc sửa đổi hai Luật này là rất cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. Đặt trong bối cảnh đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đây là cơ hội để cùng tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo, gây khó khăn cho quá trình triển khai, thực hiện.
Tại Hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu Pháp luật và xã hội đánh giá, hai dự thảo Luật được chuẩn bị công phu trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Việc sửa đổi lần này sẽ góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật về nhà ở và kinh doanh bất động sản, giải quyết những tồn tại, vướng mắc chưa phù hợp với thực tiễn.
Để tiếp tục hoàn thiện hai dự thảo luật, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trung Lý đề nghị rà soát kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định về các lĩnh vực này, nhất là cần phù hợp với quy định của Hiến pháp, của Bộ luật Dân sự, đặt trong tương quan với Luật Đất đai, Luật Xây dựng.
“Các quy định của pháp luật về nhà ở hay bất động sản, về xây dựng hay kinh doanh đều phải được tiếp cận và quy định trên cơ sở quyền con người về sở hữu, tài sản, nhà ở, đất đai, tự do kinh doanh trong các ngành nghề mà pháp luật không cấm”, ông Phan Trung Lý đặt vấn đề.
Góp ý vào mục 4, Chương II dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, việc bổ sung quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư trong trường hợp nhà chung cư không còn đủ điều kiện an toàn cho người sử dụng là không xác đáng, chưa phù hợp với thực tiễn và đề nghị tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện nội dung này.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, các dự thảo Luật đều phải được rà soát kỹ lưỡng để thể chế hóa đúng đắn, phù hợp với thực tiễn các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Đơn cử như một nội dung trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) về việc sở hữu nhà chung cư, ông Đỗ Văn Chiến cho rằng, phải hướng tới việc công khai, minh bạch thông tin và bảo vệ quyền lợi người mua chung cư. Việc mua bán phải thông qua hợp đồng mẫu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
“Nhà chung cư là tài sản cả đời của người dân, phải quy định cụ thể nhằm bảo vệ người mua, người tiêu dùng, để bớt đi những khiếu nại, khiếu kiện đông người trước sự gian dối trong kinh doanh…”, ông Đỗ Văn Chiến gợi mở; đồng thời đề nghị cần nghiên cứu chế tài để bảo vệ người dân, tránh những trường hợp chủ đầu tư sai phạm.