Giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Một trong những nội dung quan trọng của Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII luôn được dư luận và cử tri cả nước quan tâm vẫn là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được các đại biểu bàn thảo sôi nổi trong các phiên thảo luận.


Ông Nguyễn Hoàng Minh, cử tri quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai khẩn trương, đồng bộ, dân chủ, rộng khắp và đúng tiến độ. Việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thu hút sự quan tâm sâu sắc, đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và được tổ chức góp ý bằng nhiều hình thức thích hợp…

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thanh Hải phát biểu ý kiến thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Ảnh: Dương Giang – TTXVN


Với sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, theo báo cáo của các cơ quan, tổ chức hữu quan, tính đến tháng 5/2013, đã có hơn 26.091.000 lượt ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Ủy ban DTSĐHP) đã tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực ý kiến của nhân dân. Nhìn chung, ý kiến của nhân dân tán thành với các nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban DTSĐHP công bố, đồng thời nhân dân cũng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm vào các nội dung cụ thể của Dự thảo.


Bên lề Quốc hội, khi trao đổi với phóng viên báo chí, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá hoạt động lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị. Việc lấy ý kiến nhân dân không chỉ huy động được sự tham gia tích cực của nhân dân ở trong nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài để góp ý, hoàn thiện Dự thảo mà còn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng Dự thảo Hiến pháp, cũng như thực thi Hiến pháp sau này.


Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho biết: Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân rộng rãi, bằng nhiều phương thức đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng Dự thảo, cũng như thực thi Hiến pháp sau này. Việc phát tài liệu đến từng hộ gia đình tạo điều kiện cho người dân nghiên cứu kỹ càng, từ đó góp ý sâu sắc cho Dự thảo.


Các đại biểu Quốc hội cũng cơ bản tán thành với nội dung Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến nhân dân của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thảo luận về Điều 1, đa số ý kiến đề nghị tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các ý kiến phân tích: Tên gọi này ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ XHCN của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7/1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội. Hơn nữa, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên chủ nghĩa xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp.


Thể hiện sự nhất trí với giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội) nêu rõ: Tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thể hiện rõ chính thể của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ. Tuy nhiên, việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.


Bà Nguyễn Thị Tính, cử tri quận Đống Đa góp ý Điều 2 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định về bản chất nhà nước và các nguyên tắc tổ chức, thực hiện quyền lực nhà nước. Về quy định “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giữ quy định như trong Dự thảo đã công bố lấy ý kiến nhân dân, khẳng định nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức...


Ủy ban DTSĐHP đã tiếp thu các ý kiến nói trên về cơ bản đều nhất quán với quan điểm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực của sự phát triển. Tuy nhiên, tại Điều 2 của Hiến pháp cần thể hiện rõ bản chất giai cấp của Nhà nước. Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992 tiếp tục quy định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” nhằm thể hiện bản chất giai cấp của Nhà nước, đồng thời khẳng định nền tảng vững chắc của chính quyền nhân dân, phù hợp với tính chất và nguyên tắc tổ chức của Nhà nước.


Theo Chương trình, trong hai ngày 3 và 4/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phiên họp quan trọng này sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.


Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN