Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai - ảnh) xung quanh vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội sẽ diễn ra trong tuần này.
* Trong buổi chất vấn tới, ông sẽ chất vấn liên quan đến vấn đề gì, thưa ông?
Với những vấn đề cử tri quan tâm và báo chí thông tin nhiều thời gian qua, tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý bảo vệ rừng và việc chuyển đất rừng sang trồng cây cao su không đúng quy hoạch, diện tích lớn ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Thực ra, nội dung này, tôi đã chất vấn Bộ trưởng từ ngay Phiên họp Thường vụ Quốc hội nhưng tới giờ kết quả kiểm tra xử lý vẫn chưa kiên quyết, chưa tập trung đúng mức, trách nhiệm bộ ngành, địa phương cũng chưa quyết liệt lắm. Vấn đề này liên quan tới sự phát triển kinh tế xã hội bền vững, yếu tố môi trường sinh thái.
Bên cạnh đó, tôi quan tâm tới vấn đề lao động, đào tạo nghề nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động tại nông thôn. Chúng ta đang đề ra mục tiêu giảm cơ cấu nông nghiệp từ 47% hiện nay xuống 35% vào năm 2020. Đây là nỗ lực lớn của Chính phủ nhưng chương trình đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề nông thôn không có giải pháp cụ thể, tôi nghĩ khó đạt mục tiêu này. Nội dung chất vấn mang tính đôn đốc Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH). Những nội dung đã có chỉ đạo, định hướng rồi nhưng giải pháp tổ chức thực hiện rất chậm nên dù không chất vấn tại hội trường tôi vẫn gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ LĐTBXH.
* Ông nghĩ sao những vấn đề nổi cộm của ngành y gần đây và ông có thực hiện chất vấn với lãnh đạo ngành y tế không thưa ông?
Liên quan đến vấn đề y tế, Bộ trưởng không trực tiếp trả lời tại kỳ họp nhưng tôi vẫn quan tâm vì cử tri luôn đặt câu hỏi với đại biểu trước những vấn đề gây bức xúc, nhất là tình trạng cơ sở khám chữa bệnh của tư nhân còn nhiều bất cập khi thực hiện Luật Khám chữa bệnh. Số đơn vị hiện được cấp chứng chỉ hành nghề và đăng ký kinh doanh thấp. Vấn đề này đã được chất vấn tại kỳ họp lần trước cũng như đã có Nghị quyết về chất vấn của Quốc hội nhưng chuyển biến chậm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ việc như vừa qua tại hệ thống khám chữa bệnh ngoài công lập. Điều này cho thấy khâu kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định chưa đúng mức.
* Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn kỳ họp trước đến nay ra sao?
Tôi thấy có việc đã làm được nhưng kết quả thực hiện sau chất vấn chậm. Nguyên nhân là chưa có chế tài sau giám sát của chất vấn. Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội nhưng tôi nghĩ để Nghị quyết chất vấn và trả lời sau chất vấn có hiệu quả thì trước tiên, trách nhiệm đại biểu theo dõi giám sát đến cùng nội dung chất vấn. Tiếp theo, để thực hiện Nghị quyết Quốc hội về chất vấn và trả lời sau chất vấn là chế tài sau giám sát, xác định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm.
* Vậy theo ông có cần phải giám sát việc thực hiện lời hứa khi Bộ trưởng trả lời chất vấn?
Theo tôi, trách nhiệm của đại biểu là thực hiện chức năng giám sát về việc thực hiện lời hứa qua các phiên chất vấn mà Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chất vấn. Tại kỳ họp này, Quốc hội có dành một buổi thảo luận về việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng của 3 kỳ trước đó (từ kỳ họp thứ 3 đến kỳ thứ 5). Đó cũng là phương pháp để đáp ứng việc thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội. Đại biểu có thể không chất vấn trực tiếp tại kỳ họp mà có thể chất vấn bằng văn bản, kiến nghị để có cơ sở xem xét trách nhiệm của bộ, ngành liên quan, rồi xem thực hiện lời hứa của Bộ trưởng để thông báo với cử tri. Nếu chưa thực hiện, tôi tiếp tục đôn đốc để thực hiện. Quan trọng là các bộ, ngành xác định rõ lộ trình, giải pháp và trách nhiệm cá nhân thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong số 10 nội dung tôi gửi tới các bộ, ngành có liên quan để chất vấn chủ yếu vẫn là những nội dung đã đưa vào các phiên chất vấn các kỳ họp mà chưa có chuyển biến cụ thể. Trong phiên thảo luận giải quyết Nghị quyết Quốc hội tại 3 kỳ họp trước, tôi sẽ tham gia thảo luận để thực hiện chức năng giám sát của mình.
* Theo ông, để nâng tính hiệu quả, có cần đổi mới về phương thức chất vấn và trả lời chất vấn trên Quốc hội?
Theo tôi, nội dung nhóm vấn đề nên có tranh luận để đi đến cùng vấn đề, làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, lộ trình và giải pháp cụ thể giải quyết như thế nào sao cho hiệu quả và sau đó báo cáo trước Quốc hội từng nhóm vấn đề cho đến khi có kết quả cuối cùng.
* Xin cảm ơn ông!
Xuân Minh (thực hiện)