Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, Giải thưởng Chất lượng quốc gia được triển khai theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và được Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì hàng năm. Giải thưởng hướng tới mục tiêu khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, nâng cao và tạo sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng các sản phẩm và khả năng của các doanh nghiệp. Điều này sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trao tặng giải Chất lượng quốc gia cho 75 doanh nghiệp, trong đó có 22 doanh nghiệp được trao Giải Vàng Chất lượng quốc gia và 53 doanh nghiệp được trao Giải thưởng Chất lượng quốc gia. Năm 2018, 2 doanh nghiệp Việt Nam đạt Giải Vàng Chất lượng quốc gia đã được Tổ chức Chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương tặng giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương.
Theo số liệu của Ban tổ chức, doanh thu của 75 doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng quốc gia 2018 là 106.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước tính hơn 10.000 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 8.000 nghìn tỷ, tạo công ăn việc làm cho hơn 55.000 lao động.
Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, muốn đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, thu hẹp khoảng cách với các nước đi trước thì nhất định phải nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của từng ngành, từng doanh nghiệp và từng sản phẩm.
“Trong nhiều việc để nâng cao năng lực cạnh tranh thì quan trọng là năng suất và chất lượng. Nhất là chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp khi trình độ phát triển ngày càng cao, yêu cầu khách hàng ngày càng đa dạng, khắt khe”, Phó Thủ tướng cho biết.
Với sự hội nhập, gắn kết ngày càng chặt chẽ với nền kinh tế thế giới, Phó Thủ tướng cho rằng chất lượng các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam cần chinh phục cả khách hàng trong nước lẫn quốc tế. Vì vậy, cách đánh giá các tiêu chí chất lượng cũng phải theo quốc tế.
“Bảy tiêu chí đánh giá của Giải thưởng Chất lượng quốc gia cho thấy tầm quan trọng của việc tập trung đổi mới sáng tạo, yếu tố văn hoá doanh nghiệp, đạo đức trong sản xuất, kinh doanh. Đó là sự cam kết, trách nhiệm của doanh nghiệp với khách hàng trong và ngoài nước, liên quan trực tiếp đến sản xuất, tiêu thụ, tới con người, tới phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng mong muốn ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia phong trào năng suất, chất lượng quốc gia. Giải thưởng Chất lượng quốc gia không ngừng đổi mới, lan toả trong cộng đồng doanh nghiệp góp phần thiết thực vào sự phát triển của đất nước.
Là một trong những doanh nghiệp đạt Giải Vàng chất lượng quốc gia, ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, Tân Hiệp Phát rất vinh dự được chọn là doanh nghiệp đạt giải vàng quốc gia, tuy nhiên đây không phải là đích đến cuối cùng, công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện để nâng cao năng lực cạnh tranh, để tồn tại bền vững. Để đạt được 7 tiêu chí của giải thưởng, toàn bộ lãnh đạo cũng như cán bộ nhân viên của Tân Hiệp Phát phải nỗ lực học hỏi không ngừng, nâng cao năng suất lao động, đầu tư hàng trăm triệu USD vào công nghệ sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Chúng tôi đã tìm hiểu và áp dụng hầu hết phương pháp quản trị quốc tế, đồng thời xây dựng bộ tiêu chuẩn quy trình cùng tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới để tập trung tối đa vào nâng cao năng lực nội Bộ, phát triển đội ngũ, tập trung đối tượng chính là khách hàng, thỏa mãn yêu cầu của khách hàng”, ông Trần Quí Thanh cho biết.