Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên báo Tin tức (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thành Diệu, Bí thư Huyện ủy Gò Công Đông (Tiền Giang) về định hướng quy hoạch tích hợp đa lĩnh vực và theo chuỗi hàng hóa toàn cầu để tạo hiệu quả kinh tế của một vùng.
Thưa đồng chí! Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra 3 khâu đột phá chiến lược, đồng chí tâm đắc nhất nội dung nào của Nghị quyết này?
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp. Đây là một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của Đảng, của đất nước và của dân tộc. Tôi đặt niềm tin mãnh liệt, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và trên tinh thần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Đại hội lần thứ XIII này, trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, Đại hội đã đề ra 3 khâu đột phá đặc biệt quan trọng để lãnh đạo đất nước trong thời gian mới.
Tôi tâm đắc với 3 khâu đột phá chiến lược mà Đại hội đã đề ra. Đó là tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế phát triển, trong đó ưu tiên về phát triển kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa và đổi mới quản trị đất nước theo hướng hiện đại, khoa học và hiệu quả. Điều này gắn với việc giải quyết các mối quan hệ mà Đại hội đã đề ra, đó là quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; quan hệ giữa phát triển kinh tế và đổi mới chính trị; quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội và quan hệ giữa phát huy nội lực tự chủ, độc lập và không ngừng đổi mới; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.
Một vấn đề đặc biệt quan tâm là phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với thực hiện các tiến bộ, công bằng xã hội và an sinh xã hội để đảm bảo cho mọi người dân hạnh phúc, thịnh vượng, đất nước hùng cường. Và một trong những điểm mới lần này được Đại hội đặt ra, đó là thực hiện mối quan hệ giữa thực hành dân chủ đi đôi với thực hiện pháp chế và kỷ cương xã hội. Đây là một vấn đề rất mới trong chiến lược phát triển đất nước có tính đột phá trong thời gia tới.
Vấn đề thứ hai tôi quan tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ có chất lượng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Trong đó, lần này Đại hội nhấn mạnh ưu tiên về phát triển đội ngũ nhân lực quản lý nhà nước, nhân lực quản trị và nhân lực ở các lĩnh vực trọng yếu, lĩnh vực quan trọng của quốc gia. Từ đó triển khai các giải pháp thực hiện với tinh thần quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, triển khai quyết liệt, đổi mới, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đã đề ra ở các cấp. Đồng thời khơi dậy lực lượng trí thức ở các ngành, các lĩnh vực, khơi dậy nguồn lực trong nhân dân với tinh thần phát triển đất nước, yêu nước, phồn vinh và hạnh phúc.
Vấn đề thứ ba là đổi mới chiến lược, xây dựng và phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng cả về kinh tế và xã hội, trong đó có các khâu: Thực hiện ưu tiên các công trình trọng điểm quốc gia gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu. Chú trọng phát triển các công trình về hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông và quan tâm đầu tư cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Đây là những vấn đề đột phá chiến lược trong thời gian tới.
Để triển khai đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, theo đồng chí chúng ta cần tập trung vào vấn đề cụ thể nào?
Trong các phiên thảo luận tại Đại hội, tôi đã tham gia ý kiến làm rõ thêm những vấn đề được đặt ra trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong thời gian tới, vấn đề tôi quan tâm là phát triển kinh tế vùng.
Có thể nói vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế phát triển từ nông nghiệp; công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng nông nghiệp. Do đó, tôi có kiến nghị và đề xuất chủ động triển khai các quy hoạch phát triển một cách đồng bộ, hiệu quả, nhanh hơn và thực tế hơn. Gắn với đó, cần quy hoạch theo hướng tích hợp đa lĩnh vực và theo chuỗi hàng hóa toàn cầu để tạo hiệu quả kinh tế của vùng đang phát triển của đất nước.
Cũng liên quan đến vấn đề phát triển vùng, tôi kiến nghị cần quan tâm và có cơ chế để tổ chức liên kết vùng hiệu quả hơn, từ tổ chức, hoạt động đầu tư cho nguồn lực và cơ chế phối hợp cả các tỉnh trong nội vùng và liên vùng.
Tiền Giang là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua có đóng góp tích cực và luôn luôn đồng hành, phát triển và đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận tham gia vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngay trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2020-2025 cũng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm đột phá trong thời gian tới để không ngừng phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế khu vực, là thành viên có trách nhiệm trong vùng kinh tế động lực, năng động phía Nam vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Như tôi đã nói ở trên, đồng bằng sông Cửu Long là vùng nông nghiệp lớn, do đó trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng tăng trưởng cần tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới. Cho nên Trung ương cần có chương trình tổng thể gắn phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long với xây dựng nông thôn mới, với phát triển kinh tế nông thôn để tạo sự đồng bộ. Và vấn đề quan trọng nhất vẫn là nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, để vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững.
Vậy Tiền Giang chọn hướng đột phá nào là mũi nhọn, thưa đồng chí?
Đó là vấn đề biển và kinh tế biển. Có thể nói, những năm qua chúng ta đặc biệt quan tâm tới phát triển kinh tế biển nhưng với tiềm năng và nguồn lực hiện nay thì chúng ta cần phải tiếp tục nhiều hơn nữa.
Chúng tôi cũng đã có kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm nâng cao hiệu suất, hiệu quả đầu tư và tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế biển và kinh tế vùng biển. Trong kiến nghị của mình, chúng tôi cũng đề xuất Trung ương nên nghiên cứu và sớm triển khai xây dựng tuyến đường ven biển từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đến Kiên Giang để tạo nên tuyến giao thông huyết mạch nhằm phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng. Gắn sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và đặc biệt là xây dựng hệ thống giao thông gắn với quốc phòng, an ninh quốc gia, an ninh vùng biển.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!