Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, ngày 17/8, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Ban liên lạc thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu đã tổ chức gặp mặt truyền thống giữa các đồng chí cựu thanh niên cứu quốc Thanh Hoàng Diệu với cán bộ, đoàn viên, thanh niên Thủ đô.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh chung với các Chiến sĩ Việt Minh Thành Hoàng Diệu ngày 16/7/2013. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN |
Tới dự có đồng chí Vũ Oanh (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh thành Hoàng Diệu năm 1945), Đại tướng Nguyễn Quyết (nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội) cùng đông đảo các cựu thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu năm xưa.
Cuộc găp diễn ra trong bầu không khí nồng ấm, vui tươi giữa các cựu thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu, những người năm xưa cùng chung chiến hào, đánh giặc trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ và đã lập nhiều chiến công chói lọi, góp phần cùng giành chính quyền về tây nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.
Cách đây 68 năm, Thành ủy Hà Nội quyết định tổ chức thêm Đội AS (đội ám sát), sau chuyển thành Đội Danh dự Việt Minh và đưa Tổ tuyên truyền xung phong thành Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu. Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu được phân công thực hiện các nhiệm vụ: Rải, dán truyền đơn, truyền tay các tin tức cách mạng, kết hợp với các cuộc mít tinh, biểu tình vũ trang trong các công sở, trường học, trên tàu điện, rạp hát, rạp chiếu bóng… Đồng thời, Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu còn có trách nhiệm tham gia phá các cuộc triển lãm, mít tinh do địch tổ chức, phá kho thóc của Nhật chia cho dân, diệt ác ôn mật thám và bọn đầu sỏ các Đảng phái phản động thân phát xít Nhật…
Đương đầu với những nhiệm vụ nặng nề như vậy, nhưng các thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu ngày ấy luôn vui vẻ, hăng say, nhiệt tình hoạt động. Nhớ lại thuở thanh niên sôi nổi ấy, bác Đặng Kim Thanh (82 tuổi, ở ngõ 9 phố Đào Tấn, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) dí dỏm kể lại: Nhà bác hồi đó là thuộc gia đình khá giả ở Hà Nội. Kháng chiến diễn ra, cả gia đình đi sơ tán, chỉ riêng mình bác Khánh ở lại vì rất thích được hoạt động trong đoàn thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu. Công việc chính của bác Khánh được giao là đi rải, dán truyền đơn, tán phát tài liệu truyên truyền vận động cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Nguy hiểm luôn rình rập nhưng bác Khánh không thấy sợ, không thấy vất vả mà rất vui, thích thú vì mình được hoạt động cho cách mạng. Nghĩ lại những ngày ấy, bác vẫn cười tươi như được sống lại thời còn là thiếu nữ tiền phong của đội.
Thiếu tướng Lê Hồng Quang (85 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Học viện chính trị, Bộ Quốc phòng) nhớ lại: Ngày 17/6/1945, trận tập dượt đầu tiên của ông diễn ra tại Núi Nùng (Bách Thảo). Khi ấy, địch tổ chức mít tinh tuyên truyền cho công lao của Nhật và chính quyền bù nhìn, ông cùng các bạn trong đội nhanh chóng xông lên, cướp diễn đàn, cướp micro, tranh thủ nói chuyện với thanh niên về phong trào Việt Minh đấu tranh giành độc lập. Cuộc nói chuyện phải diễn ra hết sức nhanh trong vài phút, bởi nếu để lâu thì lực lượng của ta sẽ bị địch phát hiện và bị bắt giữ.
Trong suốt thời gian hoạt động trong đoàn thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu, Thiếu tướng Lê Hồng Quang vẫn nhớ nhất 3 ngày 17,18,19/8/1945. Hồi ấy, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội và Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội, đoàn đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ phá bằng được cuộc mít tinh do Tổng hội Viên chức tổ chức ủng hộ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Tại đây có lực lượng bảo an, mật thám, lại chỉ cách Sở chỉ huy của Quân đoàn 52 của Nhật có vài cây số nên vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiệm vụ được giao lần này rất quan trọng. Ngoài việc tuyên truyền về cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, nó còn là “phép thử” để xem xét thái độ của phát xít Nhật. Và trên thực tế, phát xít Nhật đã hoàn toàn không có phản ứng gì, vì lúc đó Nhật đã đầu hàng, Quân đoàn 52 đã im lặng, chờ giao nộp vũ khí… Kết quả của buổi cướp diễn đàn hôm đó là cơ sở để định hướng, lãnh đạo, tổ chức thành công cuộc đấu tranh cách mạng, giành chính quyền về nhân dân.
Kim Anh