Có thể nói, Thủ tướng Mark Rutte là người bạn và là người ghi dấu ấn trong việc nâng tầm quan hệ hợp tác song phương hai nước trong những năm qua. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào năm 2014, Thủ tướng Mark Rutte và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược về Nông nghiệp và An ninh lương thực. Tới chuyến thăm chính thức Việt Nam vào năm 2019, Thủ tướng Mark Rutte và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện.
Do vậy, chuyến thăm chính thức Việt Nam tới đây của Thủ tướng Mark Rutte được kỳ vọng sẽ tiếp tục đưa quan hệ hợp tác hai nước lên tầm cao mới, trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023).
Hà Lan là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài của Việt Nam. Với bề dày lịch sử quan hệ được khởi tạo cách đây 400 năm khi các tàu buôn Hà Lan cập bến Việt Nam vào đầu thế kỷ 17 và được chính thức thiết lập đi vào khuôn khổ từ 50 năm trước (ngày 9/4/1973), quan hệ hợp tác hai nước đã liên tục phát triển. Từ một đối tác phát triển, Hà Lan nay đã trở thành đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu. Quan hệ hai nước được đánh giá là điển hình của mối quan hệ năng động, hiệu quả. Hà Lan hiện là nhà đầu tư lớn nhất của Liên minh châu Âu vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư vào khoảng 13,7 tỷ USD và là nước nhập khẩu hàng hóa Việt Nam lớn nhất tại châu Âu với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 11 tỷ USD.
Các sản phẩm mang thương hiệu Hà Lan trở thành một phần trong đời sống hằng ngày của người dân Việt Nam như bia Heineken, các sản phẩm điện tử của Philips, các sản phẩm sữa từ FrieslandCampina, các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày từ Unilever… Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu đầu tư sang Hà Lan.
Giữa Việt Nam và Hà Lan đã ký kết hai hợp tác chiến lược: Thỏa thuận Đối tác chiến lược về Biến đổi khí hậu và quản lý nước năm 2010; Đối tác Chiến lược về Nông nghiệp và An ninh lương thực năm 2014.
Nhìn nhận mối quan hệ gần gũi, hữu nghị giữa hai quốc gia, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar cho rằng Hà Lan và Việt Nam trở thành những đối tác của nhau theo một cách tự nhiên dựa trên các lĩnh vực ưu tiên gồm: thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, dầu khí, kinh tế biển và dịch vụ hậu cần.
“Việt Nam và Hà Lan có nhiều điểm chung. Cả hai nước đều có nền kinh tế dựa vào thương mại và đầu tư quốc tế, có các đồng bằng châu thổ rộng lớn, đều đối mặt với các thách thức về nước và biến đổi khí hậu nghiêm trọng, và ngành nông nghiệp hai nước đều có định hướng xuất khẩu. Là các quốc gia nhỏ, cả hai nước đều đã học cách phát huy pháp quyền quốc tế và hệ thống quan hệ đa phương”, Đại sứ Kees van Baar chia sẻ.
Hợp tác hai nước không chỉ dừng lại ở cấp độ chính phủ, mà mối quan hệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội của hai nước cũng rất chặt chẽ và sâu sắc.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai, Thủ tướng Mark Rutte cũng đã khẳng định: Nhân dân Việt Nam có một người bạn ở châu Âu. Theo Thủ tướng, Hà Lan hiện là nhà đầu tư lớn của Việt Nam. Mối quan hệ giữa nhân dân hai nước cũng ngày càng gần gũi hơn. Cá nhân Thủ tướng cho biết, ông và các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tạo lập được mối quan hệ bạn bè thân tình. Từ đó, hai bên có thể thảo luận những vấn đề, đặc biệt là những cơ hội cho cả hai.
Nửa thế kỷ hợp tác và phát triển, mặc dù cách nhau xa về địa lý, song hai người bạn, hai đối tác Việt Nam - Hà Lan đã và đang cho thấy những tiềm năng, dư địa hợp tác giữa hai bên vẫn còn rất lớn. Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định trong chuyến thăm Hà Lan vào tháng 11/2022, trên nguyên tắc hợp tác là “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, Nhà nước”, Chính phủ Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, logistics, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số...
Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp, đối tác Hà Lan hỗ trợ Việt Nam các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, trong đó các tổ chức tài chính cần có ưu đãi lãi suất; hỗ trợ Việt Nam chuyển giao khoa học, công nghệ hiện đại; chuyển giao kinh nghiệm, khoa học quản trị tiên tiến; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện thể chế phù hợp với điều kiện Việt Nam và hội nhập quốc tế...
Trong thời gian tới, lãnh đạo hai nước Việt Nam - Hà Lan đã nhất trí sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA) và hợp tác cùng nhau trở thành trung tâm trung chuyển hàng hoại tại hai khu vực. Hà Lan và Việt Nam cũng tích cực đóng góp vào việc thúc đẩy và phát triển Đối tác chiến lược EU-ASEAN, tăng cường mối quan hệ giữa hai tổ chức tại hai khu vực Á, Âu cũng là một yếu tố quan trọng vì hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực nói riêng và thế giới nói chung.
Nhận định về tiềm năng hợp tác giữa hai nước cũng như quan hệ song phương và phối hợp trên trường quốc tế, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam khẳng định Việt Nam và Hà Lan ngày nay đã trở thành những đối tác quan trọng và ưu tiên của nhau tại khu vực. Đại sứ cũng bày tỏ hy vọng, trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Thủ tướng Mark Rutte, các doanh nghiệp công nghệ cao sẽ đầu tư vào thị trường Việt Nam và góp phần tăng cường mối quan hệ giữa hai nước.
Với nền tảng quan hệ chính trị tin cậy, hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương, ủng hộ đẩy mạnh trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, có thể tin tưởng rằng, chuyến thăm chính thức Việt Nam tới đây của Thủ tướng Mark Rutte sẽ là dấu mốc quan trọng mở ra một tương lai đầy hứa hẹn của việc hợp tác song phương giữa hai nước trong những năm tới đây.