Ngày 12/4, hãng Thông tấn quốc gia Campuchia (AKP) đăng tải bài viết với tiêu đề “Tỉnh Sóc Trăng - miền Nam Việt Nam chú trọng chăm lo đời sống đồng bào Khmer”, trong đó giới thiệu tỉnh Sóc Trăng là địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thuộc miền Nam Việt Nam, có dân số gần 1,2 triệu người, cũng là nơi có số lượng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đông nhất khu vực với khoảng 362.000 người, chiếm 30,18% dân số toàn tỉnh.
Tác giả bài viết cho rằng đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng có mối quan hệ đồng tộc, đồng văn với người Khmer ở Campuchia, sinh sống đan xen với dân tộc Kinh và Hoa, phân bố rộng khắp tại 51 trong tổng số 109 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do tập quán cư trú và canh tác, đồng bào Khmer chủ yếu làm kinh tế nông nghiệp, thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, hạn mặn nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn, số hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh còn ở mức cao, cần sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước.
Theo AKP, xác định phát triển kinh tế là một trong những cơ sở, động lực quan trọng để đảm bảo thực hiện quyền con người, Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng luôn chú trọng thực hiện các chính sách phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đời sống bà con không ngừng phát triển. Phát biểu tại sự kiện họp mặt mừng Tết cổ truyền Choul Chnam Thmey 2024 vào ngày 8/4, bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết toàn tỉnh hiện có 100% xã có đường ô tô; 100% xã, phường, thị trấn và 100% ấp, khóm có điện lưới quốc gia; 99,65% hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Đời sống vật chất tinh thần của đồng bào dân tộc ở Sóc Trăng từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm 3,86%.
Theo AKP, thành quả trên xuất phát từ sự quan tâm của địa phương trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án vùng đồng bào dân tộc, trong đó có chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng 1.200 căn nhà tặng người nghèo, người khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng của Bộ Công an Việt Nam với tổng kinh phí trên 60 tỷ đồng, hoàn thành vào đầu năm 2024 vừa qua. Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Việt Nam còn có các dự án, chính sách tập trung hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Khmer như: hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề, đào tạo nghề, giải quyết việc làm…
Trên tinh thần đó, AKP nhấn mạnh “Các chương trình, dự án thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer nói riêng. Qua đó, đồng bào Khmer ở Sóc Trăng hết sức phấn khởi, luôn nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, cùng chính quyền địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp thực hiện các mục tiêu chương trình đề ra, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.”.
Trong khi đó, ngày 11/4, trang tin lookingtoday.com của Trung tâm Thông tin Cây Me (DAP NEWS) cũng đăng bài viết về chương trình trên của Bộ Công an Việt Nam tại tỉnh Sóc Trăng. Bài viết cho biết sau một thời gian triển khai, 1.200 căn nhà được hoàn thành đúng tiến độ và bàn giao cho người nghèo, khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trước Tết cổ truyền Choul Chnam Thmey 2024 của đồng bào Khmer Nam Bộ. Mỗi căn nhà trị giá 63 triệu đồng, trong đó Bộ Công an Việt Nam hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa, tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ đối ứng 13 triệu đồng.
Bài viết dẫn phát biểu của ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, đánh giá công tác triển khai Chương trình chung tay xây dựng nhà ở cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở từ nguồn vận động của Bộ Công an không chỉ thể hiện sự chung tay của lực lượng công an, cùng với địa phương thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, mà còn củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân đối với lực lượng công an.
Trang tin của DAP NEWS dẫn lời Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhấn mạnh: “Đây là một chương trình hết sức ý nghĩa, thiết thực và là nguồn động viên tinh thần to lớn để các hộ nghèo tiếp tục vượt khó, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Trước đó, trang tin điện tử domreynews.com đăng tải bài phân tích khá dài của ông Uch Leang - nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) - ghi nhận diện mạo mới và những đổi thay ở những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống ở Việt Nam như Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu... Tác giả nhận định: “Giờ đây, những khu vực có đông đồng bào Khmer sinh sống đều có đường giao thông nông thôn nối liền các xã, ấp, có bệnh viện, trường học. Bộ mặt phum sóc tươi đẹp, văn minh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Ngoài việc đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng lớn, chính quyền ở các địa phương có đông đồng bào Khmer còn triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện cho bà con Khmer được vay vốn ưu đãi, xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững... Qua đó, giúp bà con có điều kiện, động lực phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cuộc sống ngày càng ổn định”.
Nhà nghiên cứu thuộc RAC nhận định bằng sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của chính quyền từ trung ương đến cơ sở, diện mạo nông thôn vùng đồng bào Khmer ở Việt Nam không ngừng đổi mới, phát triển. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật như lễ hội Ok Om Bok, đua ghe ngo, đua bò... cũng được tổ chức thường xuyên, không chỉ thu hút sự tham gia đông đảo của người dân, mà còn thu hút nhiều du khách. Ngoài ra, các chức sắc tôn giáo, tín đồ Phật giáo Khmer và Hội Sư sãi đoàn kết yêu nước cũng có những hoạt động tích cực, đoàn kết dưới mái nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam...
Theo học giả Uch Leang, Chính phủ Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách lớn phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, vùng đồng bào Khmer Nam Bộ nói riêng. Nội dung các chủ trương, chính sách ngày càng đa dạng, toàn diện, đảm bảo thực hiện ngày càng hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư, chính sách hỗ trợ đồng bào. Bên cạnh đó, hàng năm, chính quyền các tỉnh luôn ưu tiên nguồn lực cho đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tại các khu vực này, trong đó tập trung phát triển giao thông, cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi cộng đồng dân tộc.
Từ góc nhìn trên, nhà nghiên cứu Uch Leang nhận định: “Điều đó góp phần tích cực trong việc thay đổi diện mạo đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần và bản sắc vùng đồng bào dân tộc Khmer. Qua đó, củng cố truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, tạo dựng niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.”