Đại biểu bỏ miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh Long An đối với ông Nguyễn Văn Được do chuyển công tác đến Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Bùi Giang/TTXVN
Miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh Long An đối với ông Nguyễn Văn Được
Tại Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh đã có nghị quyết đồng ý cho ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021- 2026.
Đồng thời, HĐND tỉnh cũng thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh Long An khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Văn Được do được điều động công tác đến Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Trước đó, chiều 19/2, ông Nguyễn Văn Được nhận quyết định của Bộ Chính trị về việc thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Long An nhiệm kỳ 2020 - 2025; điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy và giữ chức Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ông Nguyễn Văn Được sinh ngày 3/4/1968; quê quán huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Trình độ: Thạc sỹ Địa chất học, Cử nhân Địa chất; Cao cấp lý luận chính trị. Ông từng trải qua các vị trí công tác như: Phó Giám đốc và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An; Bí thư Huyện ủy huyện Tân Thạnh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An.
Tại Kỳ họp, ông Mai Văn Nhiều, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách HĐND tỉnh Long An nhấn mạnh, ông Nguyễn Văn Được là một trong các thế hệ lãnh đạo HĐND tỉnh đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật, kết quả quan trọng, làm nền tảng cơ bản cho tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh. Ông đã dành nhiều thời gian, trách nhiệm, tâm huyết, tạo điều kiện, xây dựng tập thể HĐND, Thường trực, các Ban và Tổ đại biểu HĐND luôn đoàn kết, nhiều đổi mới, năng động, sáng tạo, hiệu quả. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian giữ trọng trách Chủ tịch HĐND và đại biểu HĐND tỉnh Long An; được cử tri, nhân dân tin yêu, đại biểu HĐND tỉnh quý trọng, tín nhiệm rất cao qua các lần bầu cử và lấy phiếu tín nhiệm.
Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh Long An đã thông qua 17 nghị quyết quan trọng liên quan đến công tác nhân sự, tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, HĐND tỉnh đã quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh khóa X; thông qua chế độ chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với điều chỉnh biên chế, nâng cao năng lực, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
HĐND tỉnh cũng tiến hành miễn nhiệm và bầu bổ sung một số chức danh thuộc các Ban của HĐND tỉnh; miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh đối với một số đồng chí do nghỉ hưu trước tuổi hoặc chuyển công tác, nhận nhiệm vụ mới.
Đảm bảo tinh-gọn- mạnh
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Quang Cường/TTXVN
Tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ XII, HĐND tỉnh Tuyên Quang khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua nghị quyết về việc thành lập, tổ chức lại một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Tuyên Quang.
Theo đó, sau khi thành lập, tổ chức lại, UBND tỉnh Tuyên Quang có 13 cơ quan chuyên môn, gồm: Sở Nội vụ; Sở Tư pháp; Sở Tài chính; Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Xây dựng; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Sở Dân tộc và Tôn giáo; Thanh tra tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh.
Bà Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, HĐND tỉnh đã quyết nghị nội dung rất quan trọng liên quan đến việc thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của tỉnh đảm bảo "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả" theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Bà Lê Thị Kim Dung đề nghị các cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân hiểu sâu sắc ý nghĩa, mục tiêu của nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, tạo sự đồng thuận cao về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Ngay sau Kỳ họp, UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tập trung triển khai với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đảm bảo các nghị quyết của HĐND tỉnh đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực.
Bên cạnh đó, các đơn vị chủ động rà soát, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành các quy chế, quy định mới đảm bảo đúng quy định của Trung ương, đúng thẩm quyền, phù hợp với thực tế tại địa phương; rà soát xây dựng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm bảo đảm khoa học, toàn diện, phù hợp thực tiễn, hiệu quả. Các đơn vị xây dựng quy chế đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức thực chất, khích lệ sự chủ động, sáng tạo, đổi mới, có sản phẩm cụ thể; bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức nhằm bảo đảm hoạt động của các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp. Đồng thời, các đơn vị tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; quan tâm thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Tuyên Quang cũng đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng như: Phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh; Phê duyệt danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; Giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước tỉnh Tuyên Quang năm 2025 sau sắp xếp tổ chức bộ máy; Về bổ sung danh mục dự án thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sản xuất năm 2025 trên địa bàn tỉnh…
Tối ưu hóa chức năng bộ máy
Các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN
Tại Kỳ họp thứ 18 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Điện Biên đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập, bãi bỏ các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương về tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động, số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên sẽ được giảm từ 19 sở, ban, ngành xuống còn 14 đơn vị. Việc sắp xếp lại bộ máy nhằm tối ưu hóa chức năng, tránh chồng chéo nhiệm vụ và giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, Kỳ họp cũng xem xét và thông qua việc điều chỉnh biên chế công chức trong các cơ quan của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện năm 2025. Theo đề xuất, tổng số biên chế công chức tại tỉnh Điện Biên là 1.078 người, trong khi số lượng viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập là 5.993 người.
Bế mạc Kỳ họp, ông Lò Văn Phương, Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên nhấn mạnh: Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy và điều chỉnh biên chế công chức là bước đi quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Đồng thời yêu cầu UBND tỉnh Điện Biên khẩn trương thực hiện các nghị quyết ngay sau kỳ họp, đảm bảo việc sắp xếp bộ máy hành chính và điều chỉnh biên chế công chức được thực hiện đồng bộ, đúng tiến độ, tránh tình trạng gián đoạn trong hoạt động quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan chuyên môn sớm đi vào hoạt động ổn định.