Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Hội thảo bàn tròn về quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN trực thuộc Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm khoa học LB Nga, tổ chức nhằm làm rõ ý nghĩa và kết quả nổi bật của chuyến thăm chính thức LB Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đánh giá những thành tựu 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.
Trong phiên thảo luận đầu tiên, các nhà nghiên cứu trao đổi quan điểm về các khía cạnh của mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga, nhấn mạnh các lĩnh vực lĩnh vực hợp tác chính trị, ngoại giao, kỹ thuật-quân sự. Tại phiên thứ hai, các đại biểu tập trung thảo luận về hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học-kỹ thuật và nhân văn.
Các học giả Nga nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Tuyên bố chung về tầm nhìn phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và LB Nga đến năm 2030 được thông qua trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Đây thực sự là một điểm nhấn trong 20 năm phát triển quan hệ đối tác chiến lược, mở ra chương trình hành động cụ thể trong tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao quốc phòng, an ninh, kinh tế, giáo dục, y tế và phối hợp lập trường trong các vấn đề thời sự quan trọng của khu vực và quốc tế.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN bên lề hội thảo, chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế Grigory Trofimchuk cho rằng bộ đôi chiến lược giữa Việt Nam và LB Nga đã hình thành và có tầm ảnh hưởng đáng kể tới mọi tiến trình chính trị và quan hệ quốc tế ở khu vực châu Á và Đông Nam Á.
Theo ông Trofimchuk, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Nga ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam có nền kinh tế vững mạnh, tăng trưởng cao, có sự ổn định về chính trị và sức nặng về địa chính trị. Việt Nam và Nga không có bất kỳ hạn chế nào trong quan hệ song phương, đồng thời hai nước có quan điểm tương đồng về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực.
Nga không có tranh chấp lãnh thổ hoặc mâu thuẫn nghiêm trọng với các quốc gia Đông Nam Á. Ông Trofimchuk nhấn mạnh: "Kinh nghiệm tích lũy trong 20 năm là đối tác chiến lược cho phép 'bộ đôi' Việt Nam và LB Nga đóng vai trò tích cực hơn trong cấu trúc thế giới đang hình thành sau đại dịch COVID-19, góp phần duy trì cục diện hòa bình và ổn định ở Biển Đông".
Đồng tình với các đánh giá về Tuyên bố chung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, GS.TS Vladimir Mazyrin cho rằng, hai nước cần quan tâm nhiều hơn nữa tới việc thúc đẩy trao đổi thương mại song phương trong thời kỳ mới.
Ông Mazyrin nhấn mạnh: "Tôi đánh giá cao Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã công khai đề cập các tồn tại và các bên sẵn sàng giải quyết. Theo tôi, hai nước cần tận dụng lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu. Thực tế, từ khi hiệp định này có hiệu lực, thương mại song phương đã tăng lên gần gấp đôi, và Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Nga tại khu vực Đông Nam Á".
Giảng viên của Học viện quan hệ quốc tế Moskva, Tiến sĩ Pyotr Svetov cho rằng điểm nổi bật trong của Tuyên bố chung về tầm nhìn phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và LB Nga đến năm 2030 chính là sự khẳng định tương đồng về lập trường của hai nước trong các vấn đề thời sự khu vực và quốc tế.
Theo Tiến sĩ Svetov, Tuyên bố chung cho thấy hai nước Việt Nam và Liên bang Nga có cách tiếp cận chung đối với tất cả các vấn đề thời sự quốc tế như không tham gia vào các khối quân sự, chính trị, phản đối các hình thức trừng phạt đơn phương, coi trọng vai trò trung tâm của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, nhiều điểm cụ thể được đề cập trong Tuyên bố chung cho thấy mức độ tương tác chặt chẽ giữa hai nước trong nhiều vấn đề then chốt.
Các chuyên gia và học giả Nga đều kỳ vọng Tuyên bố chung về tầm nhìn phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và LB Nga đến năm 2030, tạo thêm động lực mới cho quan hệ Việt-Nga, góp phần đưa quan hệ song phương phát triển lên tầm cao mới.