Đóng góp to lớn của hai Tuần báo Nhành lúa và Kinh tế Tân văn

Ngày 12/4, tại thành phố Huế, Hội Nhà báo Thừa Thiên - Huế phối hợp Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế và Báo Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo khoa học "Vai trò chủ đạo của Tuần báo Nhành lúa và Kinh tế Tân văn trong Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1936) ở Thừa Thiên - Huế".

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hội Nhà báo Thừa Thiên - Huế phát biểu tại hội thảo.

Tờ Nhành lúa do nhà báo Nguyễn Xuân Lữ đứng tên xin phép và làm chủ nhiệm kiêm quản lý. Tờ Kinh tế Tân văn do Hồ Cát đứng tên người sáng lập. Cả hai tờ báo đều là cơ quan ngôn luận công khai của Tỉnh ủy Thừa Thiên và Xứ ủy Trung kỳ giai đoạn Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939).

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Thừa Thiên - Huế Dương Phước Thu cho biết, hai tờ tuần báo ra đời trong hoàn cảnh hết sức hà khắc của chế độ cai trị, bên ngoài tỏ vẻ tự do dân chủ nhưng bên trong lại thẳng tay đàn áp. Vì thế, hai tờ báo có tuổi thọ rất ngắn, chỉ kéo dài hơn hai tháng. Trong đó, Tuần báo Nhành lúa ra được 9 số và Kinh tế Tân văn chỉ tồn tại 4 số thì bị chế độ thực dân "bóp chết".

Dù vậy, cả hai tuần báo đều có sức hấp dẫn, cần kíp cho phong trào cách mạng nên đã đi vào đời sống thợ thuyền, quần chúng lao động và cả những viên quan lại tiến bộ, trí thức yêu nước đồng thời ảnh hưởng tích cực khá dài về sau. Hai tuần báo đã có những đóng góp quan trọng trong việc tổ chức thành công nhiều cuộc vận động có ý nghĩa chính trị sâu sắc trên mặt trận báo chí, hiệu quả quần chúng, đòi các quyền dân chủ, tự do cho người dân. Trong đó, có việc định hướng chủ trương của Đảng để tái lập lại Đảng bộ tỉnh và dần từng bước thành lập các chi bộ cơ sở xem như Huyện ủy lâm thời của một số huyện ra đời.

Tuần báo Nhành lúa và Kinh tế Tân văn là sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa tư tưởng của giới báo chí Thừa Thiên - Huế nói riêng và miền Trung nói chung về một giai đoạn lịch sử cam go, phức tạp và đầy những biến động ở Huế - Kinh đô cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam bên cạnh Tòa Khâm sứ Trung Kỳ - bộ máy cai trị xứ An Nam của thực dân Pháp.

Hội thảo là dịp nhìn lại, đánh giá, khẳng định sự đóng góp to lớn của báo chí cách mạng những năm 1936-1939 ở Huế và miền Trung đồng thời tưởng nhớ, tri ân, học tập những nhà báo cách mạng.

Ban tổ chức đã nhận được 16 tham luận gửi đến hội thảo. Trong đó có 8 tham luận bàn về vai trò, vị trí, hoàn cảnh ra đời; 4 tham luận về các nhà báo tham gia Ban biên tập, viết bài và 4 tham luận bàn về ngôn từ, thơ văn, thể loại, tin bài và tính chiến đấu của hai tuần báo. Từ các tham luận, các tác giả đã mang đến hội thảo nhiều góc nhìn mới, tư liệu mới, về một số nhà báo đã tham gia Ban biên tập Nhành lúa và Kinh tế Tân văn. Bên cạnh đó làm sáng tỏ thêm vai trò chủ đạo của báo chí trong giai đoạn 1936-1939 ở Huế. 

Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Hồng Hạnh nhận định: Nhành lúa có vai trò tập hợp lực lượng báo chí tiến bộ thành một mặt trận thống nhất và Kinh tế Tân văn tiếp nối thực hiện sứ mệnh, vai trò của Nhành lúa. Đặc biệt, Tuần báo Nhành lúa là nòng cốt của phong trào Đông Dương Đại hội, tích cực tuyên truyền, vận động trong phong trào đấu tranh đón Godart (Nhành lúa số 5) ở Huế. Hai tuần báo này là diễn đàn đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, cải thiện đời sống.

Để phát huy giá trị của Tuần báo Nhành lúa, Kinh tế Tân văn trong giai đoạn hiện nay, bà Nguyễn Hồng Hạnh chia sẻ, cần tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, đề xuất cho một bảo tàng báo chí, phản ánh sự trân trọng đối với lịch sử báo chí đất Cố đô. Ngoài ra, cần tổ chức xây dựng hồ sơ di sản tư liệu cho báo chí cách mạng ở Thừa Thiên - Huế trong đó có hai tuần báo này; chủ động phối hợp các khoa báo chí, tuyên truyền thuộc các đại học, xây dựng chuyên đề nghiên cứu về lịch sử báo chí Thừa Thiên - Huế, báo chí cách mạng…

Nghiên cứu giá trị nhận thức và tính chiến đấu qua "Bản báo cáo" của Hải Triều (Tổng thư ký tòa soạn tờ Nhành lúa) đọc tại Hội nghị báo giới Trung Kỳ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Thế Hà, Đại học Khoa học Huế cho biết "Bản báo cáo" đã vạch ra những sắc lệnh vô lý và thiếu tính luật pháp bằng một giọng văn có tính chính luận. Hải Triều (tên thật là Nguyễn Khoa Văn) đã dám nói lên sự thật, chỉ rõ những luận điệu lừa dối của thực dân bằng diễn ngôn chính luận sâu sắc, tấn công vào những sắc luật vô lý đã gây ra tình cảnh buồn chán của báo chí nước ta. Ông cũng lập luận về tính tư tưởng, chỉ ra tư chất và đạo đức nghề nghiệp cần phải có của người làm báo chân chính cũng như thái độ dũng cảm của họ vì nền báo chí cách mạng.

Chú thích ảnh
Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo. 

Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế Hồ Đăng Thanh Ngọc với tham luận "Thơ văn tranh đấu trên hai tờ Tuần báo Nhành lúa và Kinh tế Tân văn" cho biết, Kinh tế Tân văn tuy là tuần báo thuần kinh tế nhưng cũng đăng 2 truyện ngắn và một số tiểu phẩm có tính văn học và một phóng sự có tính văn học cao. Trên tờ Nhành lúa ngoài các tiểu phẩm có giọng văn chính luận sắc bén, châm biếm thì 9 số báo chỉ đăng ít ỏi truyện, thơ hay phóng sự có chất văn nhưng các tác phẩm văn học đều có chất lượng nghệ thuật và đáp ứng yêu cầu "nghệ thuật vị nhân sinh".

Tin, ảnh: Mai Trang (TTXVN)
Thảo luận về các giải pháp phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam
Thảo luận về các giải pháp phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam

Trong phiên chính thức của Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam khoá XI diễn ra sáng 31/12, các đại biểu đã thảo luận một số nội dung quan trọng, những nhiệm vụ, giải pháp có ý nghĩa thiết thực, góp phần thúc đẩy nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, chủ động hội nhập với báo chí khu vực và thế giới...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN