Thực hành nếp sống đạo “kính Chúa, yêu Người”
Ông Bùi Thanh Hà, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, đến nay, Nhà nước đã công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 41 tổ chức thuộc 15 tôn giáo với khoảng 25,3 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước với 60.799 chức sắc, 133.662 chức việc, trên 27.900 cơ sở thờ tự.
Đồng bào các tôn giáo đã tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần cùng Nhà nước đảm bảo an sinh xã hội. Cả nước hiện có gần 800 cơ sở bảo trợ xã hội của Phật giáo, Công giáo, Cao Đài… đang nuôi dưỡng trên 12 triệu trẻ em mồ côi, trẻ tàn tật, người già cô đơn, bệnh nhân tâm thần, HIV/AIDS, tiếp nhận nhiều nhóm đối tượng khó khăn.
Nhà nước ngày càng quan tâm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người, trong đó có người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Những năm qua, cùng với chính sách cởi mở của nhà nước, đặc biệt là việc Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ 1/1/2018 đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động tôn giáo, từ đó làm cho đồng bào có đạo yên tâm, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Nhà nước, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dù là tôn giáo nội sinh hay phái sinh, dù ở vùng miền nào, các tổ chức đã được công nhận hay mới cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo đều có đường hướng, phương châm hành đạo riêng nhưng đều chung một định hướng là sống “Tốt đời, đẹp đạo” gắn bó với dân tộc, đồng hành cùng đất nước, sinh hoạt tôn giáo ổn định, chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Phần lớn chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào có đạo, các tổ chức tôn giáo đều tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, hoạt động từ thiện, nhân đạo, xóa đói, giảm nghèo, giúp đỡ người khó khăn, yếu thế trong cuộc sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.
Xâm nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XVII, công cuộc truyền giáo của đạo Tin lành thực sự được đẩy mạnh vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Dấu mốc hình thành tổ chức đầu tiên vào năm 1911 ở Đà Nẵng được xem là mở đầu lịch sử của đạo Tin lành ở Việt Nam.
Sau hơn 100 năm truyền đạo, đến nay, ở Việt Nam có khoảng 80 tổ chức, nhóm, phái thuộc khu vực quản lý nhà nước đối với đạo Tin lành, trong đó, có 9 tổ chức được công nhận pháp nhân phi thương mại, 1 tổ chức được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo và 1 tổ chức được công nhận Ban Đại diện, 3.000 điểm nhóm được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, ở nước ta hiện có khoảng 1 triệu người theo đạo Tin lành. Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) là tổ chức Tin lành lớn nhất ở phía Bắc với trên 100.000 tín đồ, 15 chi hội, gần 400 điểm nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo, hơn 150 mục sư, mục sư nhiệm chức và truyền đạo. Sự trưởng thành vượt bậc ấy được nuôi dưỡng bởi truyền thống hoạt động tôn giáo đồng hành cùng dân tộc của Hội thánh.
Giáo lý Tin lành dạy cho các tín hữu của mình nếp sống đạo theo tinh thần “kính Chúa, yêu Người,” thực hiện đường hướng hành đạo tiến bộ “Sống phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” của Hội thánh. Hiến chương Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) đã quy định rõ trách nhiệm xã hội của mỗi tín hữu là mỗi Cơ Đốc nhân kính Chúa thì phải yêu người, giúp đỡ mọi người trong hoàn cảnh khốn khó, có trách nhiệm xây dựng xã hội mình đang sống, tham gia các công tác xã hội tại địa phương, giữ tình đoàn kết, hết lòng phục vụ an sinh xã hội và cầu sự bình an cho mọi người; tôn trọng Luật pháp hiện hành, làm trọn mọi nghĩa vụ công dân hợp với tín lý…
Thực hành giáo lý ấy, các mục sư, mục sư nhiệm chức, truyền đạo và tín hữu Tin lành đã đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn do Mặt trận phát động như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư,” “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo khác như cứu trợ đồng bào gặp thiên tai, lũ lụt, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, hỗ trợ mổ tim, hiến máu nhân đạo, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Báo cáo của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) tại Đại hội đồng lần thứ 35 cho thấy, Hội thánh đã tham gia tích cực vào công tác đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng đời sống mới ở khu dân cư, tham gia các chương trình xóa đói giảm nghèo. Từ năm 2013 – 2017, Hội thánh đã tặng 8.500 phần quà Giáng sinh cho thiếu nhi các tỉnh vùng cao; hiến đất, kinh phí và 1.300 ngày công để làm 16 tuyến đường bê-tông ở tỉnh Thái Nguyên, trong đó có hai tín hữu Tin lành thuộc diện hộ nghèo đã đóng góp từ 80 – 100 triệu đồng để làm đường…
Hàng nghìn người thoát khỏi “cái chết trắng”
Điểm nổi bật nhất phải kể đến trong công tác xã hội của Hội thánh Tin lành, đó là giúp người nghiện thoát khỏi ám ảnh của các chất gây nghiện, trở về với đời thường. Anh Nguyễn Thế Trung, một quản lý của cơ sở cai nghiện Hội Thánh Tin lành, từng bị nghiện gần 13 năm cho biết, năm 1992, nghe theo lời một số bạn bè xấu, anh bỏ học và sử dụng heroin. Khi gia đình phát hiện, anh đã nghiện một thời gian khá dài. Để thỏa mãn cơn nghiện, Trung đã lừa lọc, sử dụng mọi mánh khóe để kiếm tiền mua thuốc, kể cả những việc như đâm thuê chém mướn, trộm cắp, lừa đảo, đòi nợ thuê... Gia đình nhiều lần khóa cửa, xích chân, dùng thuốc cai nghiện rồi cho anh đi trại cải tạo bắt buộc nhưng cứ cai nghiện, lại tái nghiện.
Nghe giới thiệu về Trung tâm giải cứu người nghiện của Hội thánh Tin lành Ân Điển ở Thái Bình, cuối năm 2003, mẹ anh đưa anh về đây cai nghiện. Được hướng dẫn giúp đỡ nhiệt tình, được chứng kiến những người đã dứt cơn nghiện chăm sóc, quan tâm đến nhau, anh có thêm động lực để hoàn lương. Cai nghiện thành công, Trung xin ở lại trung tâm để chăm sóc, hướng dẫn những người mới vào trung tâm. Anh đã giúp hơn 100 người nghiện ma túy làm lại cuộc đời.
Điều đặc biệt là người nghiện ma túy được cai nghiện tại các cơ sở Tin lành bằng phương pháp "niềm tin và tương trợ” chứ không dùng thuốc. Người nghiện tới đây sẽ được giao kết bạn bè, cai nghiện bằng tinh thần là chính. Họ ăn năn về tội lỗi của mình, tin vào bản thân và quyết tâm từ bỏ nàng tiên nâu. Mỗi khi có ai đó lên cơn được mọi người đấm bóp, giữ chân tay và massage theo phương pháp vật lý trị liệu. Có những người đã có “thâm niên” nghiện ma túy tới 20 – 28 năm, cai nghiện và tái nghiện nhiều lần, sau nhiều năm kiên trì cai nghiện tại Hội thánh Tin lành Ân Điển và một số cơ sở Hội thánh Tin lành ở Hà Nội đã thoát hoàn toàn khỏi “cái chết trắng” và tiếp tục giúp đỡ những người khác.
Theo lời Mục sư Nguyễn Hữu Mạc, Hội trưởng Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), số lượng người nghiện đến với Hội thánh để cai nghiện, trở lại hòa nhập với cộng đồng thành công khá cao. Từ thành công tại trung tâm cai nghiện đầu tiên của Hội thánh Tin lành được một mục sư tổ chức tại Nha Trang, năm 2002, một tín hữu tại Thái Bình đã mở Trung tâm cai nghiện Ân Điển theo phương pháp của người Tin lành và đây cũng là trung tâm cai nghiện lớn nhất của Hội thánh Tin lành ở khu vực phía Bắc hiện nay. Nhiều người cai nghiện thành công tại Trung tâm cai nghiện Ân Điển đã trở về Hà Nội, mở ra các trung tâm, cơ sở cai nghiện của Hội thánh Tin lành. Có những người trước đây khi nghiện ma túy, bỏ nhà đi lang thang, nhưng sau khi cai nghiện thành công lại tìm về, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Số liệu từ Hội thánh Tin lành Hà Nội cho biết, 21 năm qua, 52 trung tâm cai nghiện thuộc các Hội thánh trong cả nước đã giúp hơn 1.900 người thoát khỏi hiểm họa của ma túy; gần 8.000 người trong gia đình là bố, mẹ, vợ, con… được giải phóng khỏi bạo lực gia đình, đổ vỡ hôn nhân, áp bức tinh thần, hao tốn tiền của; tiếp cận và chia sẻ kinh nghiệm chiến thắng ma túy cho khoảng 20.000 học viên; chia sẻ kinh nghiệm phòng chống ma túy, bạo lực học đường cho khoảng 3.000 người là công nhân, học sinh và sinh viên; phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành tư vấn cho 3.000 người nhiễm HIV tiếp cận y tế và kỹ năng tư duy tích cực, giúp đỡ hàng trăm trẻ em tàn tật, mồ côi do hậu quả ma túy và tệ nạn xã hội đem lại và rất nhiều hoạt động xã hội khác.