Đổi thay trên quê hương Cờ Đỏ - Bài cuối: Tự hào là 'địa chỉ đỏ'

Cờ Đỏ xác định tập trung huy động và phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội gắn với phát triển đô thị. Hiện, tất cả 9 xã của huyện đã được công nhận nông thôn mới nâng cao, thị trấn Cờ Đỏ đạt chuẩn văn minh đô thị; riêng xã Đông Hiệp trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện vào năm 2023. Từ đó, bộ mặt trung tâm huyện và các xã ở Cờ Đỏ ngày càng có nhiều khởi sắc.

Chú thích ảnh
Trung tâm thị trấn Cờ Đỏ.

Chuyển mình với diện mạo mới

Tiếp bước truyền thống cách mạng vẻ vang, thị trấn Cờ Đỏ đang từng bước chuyển mình và khoác lên diện mạo mới. Trong công cuộc đổi mới, thị trấn Cờ Ðỏ đã giành được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội, hệ thống chính trị.

Bí thư Ðảng ủy thị trấn Cờ Đỏ Lư Thanh Hiền cho biết, Ðảng bộ thị trấn có 15 chi bộ, với 340 đảng viên. Công tác xây dựng Ðảng luôn được chú trọng, trong đó, cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Tự hào là "địa chỉ đỏ", sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Ðảng bộ thị trấn Cờ Đỏ tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tập trung phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp,...

Ngày nay, ở thị trấn Cờ Ðỏ, hạ tầng giao thông từ trung tâm thị trấn đến các ấp đều được đầu tư trải nhựa và bê tông hóa. Đặc biệt là các dự án nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 921, 922, cầu Kênh Ngang, cầu Cờ Đỏ đã tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa, hoạt động kinh doanh, dịch vụ, buôn bán phát triển.

Là người chứng kiến sự "thay da, đổi thịt" của quê hương từng ngày, ông Phạm Tấn Phát (ấp Thời Bình, thị trấn Cờ Đỏ) hào hứng chia sẻ, cầu, đường được Nhà nước đầu tư như tiếp thêm động lực cho người dân thi đua phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Người dân tích cực đóng góp kinh phí làm đèn đường, trồng hoa dọc các tuyến đường, vệ sinh môi trường luôn được giữ gìn sạch sẽ... làm cho "bộ mặt" thị trấn đổi mới "sáng, xanh, sạch đẹp".

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, công tác giáo dục và đào tạo luôn được quan tâm, huy động học sinh ra lớp cả 3 cấp học hằng năm đạt 100%; học sinh hoàn thành chương trình bậc Tiểu học, Trung học Cơ sở đạt 100%...

Dân trí phát triển, đời sống người dân cũng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người của thị trấn Cờ Đỏ đạt 83,1 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,28%... Nhiều cơ sở, hộ gia đình làm thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ra đời đã tô điểm diện mạo thị trấn xứng tầm là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện. 

Với những kết quả đạt được, thị trấn Cờ Ðỏ đã và đang vững bước trên con đường phát triển theo hướng thương mại - dịch vụ. Địa phương hướng đến tái công nhận đô thị văn minh vào năm 2025.

Chú thích ảnh
Thành viên hợp tác xã Hiệp Mỹ Phát, xã Đông Hiệp kiểm tra lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024.

Đông Hiệp - xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên

Lựa chọn lĩnh vực kiểu mẫu là “Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn”, Đông Hiệp là xã nông thôn mới kiểu đầu tiên của Cờ Đỏ được công nhận vào cuối năm 2023.

Đời sống nhân dân xã Đông Hiệp đã được nâng lên rõ nét. Xã chỉ còn 4 hộ nghèo 27 hộ cận nghèo, tương ứng 0,24% và 1,60% dân số, trong khi đó, số hộ khá, giàu ngày càng nhiều. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 75,63 triệu đồng/người/năm (cao hơn chỉ tiêu quy định).

Kinh tế tập thể của xã thời gian qua phát triển mạnh. Đông Hiệp có các hợp tác xã hoạt động liên kết với doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế khá cao như: Hợp tác xã Hiệp Mỹ Phát, Hợp tác xã Nhãn Thanh Hữu Tâm... Xã cũng hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung như “Cánh đồng lớn”, vùng trồng thanh nhãn được cấp giấy chứng nhận số truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa và được cấp mã vùng trồng theo quy định.

Theo anh Huỳnh Quốc Nhựt, Giám đốc Hợp tác xã Hiệp Mỹ Phát, Hợp tác xã có 550 ha diện tích sản xuất lúa (chiếm hơn 50% diện tích lúa toàn xã). Lúa của Hợp tác xã là lúa chất lượng cao, đạt chuẩn VietGAP, được các công ty liên kết tiêu thụ. Bình quân hằng năm, các công ty liên kết tiêu thụ từ 10.000 đến 13.000 tấn lúa từ “Cánh đồng lớn” của Hợp tác xã Hiệp Mỹ Phát.

Chủ tịch UBND xã Đông Hiệp Nguyễn Văn Mến cho biết, ngoài việc hoàn thành toàn bộ 8 tiêu chí về nông thôn mới kiểu mẫu, thành quả nổi bật của xã là giải quyết các vấn đề cấp thiết, bức xúc của đại bộ phân cư dân nông thôn. Đó là những tuyến đường liên xã, đường trục ấp, đường trục nội đồng được xây mới, cải tạo, sửa chữa khang trang, hiện đại. Các công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất tiếp tục được đầu tư nâng cấp, cải tạo, góp phần quan trọng cho cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phục vụ dân sinh.

Trong tổng nguồn vốn hơn 90 tỷ đồng huy động xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Đông Hiệp, nhân dân đóng góp trên 7,8 tỷ đồng. Nhiều diện tích hoa màu, đất đai được người dân hiến để mở đường giao thông.

Khi được cán bộ địa phương đến vận động hiến đất làm đường bê tông 4m, gia đình ông Nguyễn Phước Nghĩa, ấp Đông Phước đã "cắt" 450m2 đất sản xuất để Nhà nước làm tuyến đường Kênh 1. Phần đất của gia đình ông Nghĩa được đánh giá là then chốt để Nhà nước làm thành công đường Kênh 1.

Từ hành động chung tay của ông Nghĩa, nhiều hộ dân hưởng lợi từ Kênh 1 cũng hiến đất lúa, đất vườn để tuyến lộ dài hơn 1.200 m được mở rộng 4 m sạch, đẹp, rộng rãi, giúp ô tô, xe tải đến tận ruộng, tận vườn vận chuyển nông sản.

Ông Nguyễn Phước Nghĩa vui khi phần đất gia đình hiến làm đường góp phần giúp cho việc đi lại và hàng hóa (lúa, hoa màu) của người dân được vận chuyển dễ dàng. Từ đó, nông sản sản xuất ra không còn bị ép giá.

Để giữ vững và phát huy thành quả đạt được, Bí thư Đảng ủy xã Đông Hiệp Trương Hồng Minh cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng chất cơ sở hạ tầng nông thôn đáp ứng nhu cầu, phục vụ đời sống, sản xuất của người dân; tập trung phát triển sản xuất theo hướng quy mô lớn, hợp tác - liên kết theo chuỗi giá trị, hình thành các vùng sản xuất an toàn, tập trung sản xuất theo quy trình tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Bên cạnh đó, xã tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, lựa chọn sản phẩm có lợi thế, phù hợp với điều kiện của xã để chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình; đồng thời tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử.

Xã Đông Hiệp còn thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, hướng tới xã nông thôn mới thông minh.

Tin, ảnh: Thu Hiền (TTXVN)
Đổi thay trên quê hương Cờ Đỏ - Bài 1: Thực hiện 3 khâu đột phá, xây dựng nông thôn mới nâng cao
Đổi thay trên quê hương Cờ Đỏ - Bài 1: Thực hiện 3 khâu đột phá, xây dựng nông thôn mới nâng cao

Cách đây gần 95 năm, vào ngày 10/11/1929, tại một căn chòi gần lẫm lúa (kho chứa lúa) của đồn điền Cờ Ðỏ, làng Thới Đông, quận Ô Môn (nay là huyện Cờ Đỏ), Chi bộ An Nam Cộng sản Ðảng ra đời. Đây là Chi bộ đầu tiên của tỉnh Cần Thơ lúc đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN