Diễn đàn tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh

Chiều 8/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ và các đơn vị hữu quan tổ chức Diễn đàn tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại diễn đàn.

Ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban tổ chức triển khai cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp (VHDN) Việt Nam cho biết: Ngày 26/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1846 QĐ/TTg về Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và Quyết định số 248/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 về việc thành lập Ban tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (gọi tắt là Ban Tổ chức 248).

Sau gần 4 năm triển khai cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Ban tổ chức 248 và Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam - Cơ quan thường trực của Ban tổ chức 248 đã rất nỗ lực đưa cuộc vận động của Thủ tướng vào cuộc sống. Các hội nghị triển khai đã được tổ chức tại 63 tỉnh, thành và bước đầu đến với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu cùng hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm, ký kết triển khai cuộc vận động tại các vùng, miền, địa phương, thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của các doanh nghiệp.

Theo ông Hồ Anh Tuấn, thời gian qua, đại dịch COVID-19 và  thiên tai tác động nặng nề đến nhiều mặt của đời sống, kinh tế-xã hội Việt Nam. Cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã chung sức, đồng lòng quyết liệt phòng chống dịch, thiên tai. Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, bước đầu ngăn chặn thành công không để lây nhiễm mới trong cộng đồng và được cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp, người dân đánh giá cao. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe, chia sẻ và chỉ đạo rất quyết liệt việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các giải pháp điều hành nền kinh tế để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, phục hồi nền kinh tế đã được đề ra, đồng thời xác lập một “trạng thái bình thường mới”, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế.

Dịch COVID-19 đã và đang làm thay đổi cả tư duy, phương thức quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, trong cơ cấu kinh tế vĩ mô và vi mô, đặt ra trạng thái mới, bối cảnh mới cho các khuôn khổ hợp tác toàn cầu, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, thúc đẩy hoạt động của Chính phủ điện tử, chuyển đổi hành vi ứng xử của người tiêu dùng và doanh nghiệp, thay đổi triết lý kinh doanh, triết lý sử dụng nguồn nhân lực, văn hóa ứng xử, phương thức giao tiếp, trách nhiệm với cộng đồng, ứng xử với môi trường… Đây vừa là thách thức, vừa i là cơ hội để thay đổi, bứt phá, cần được nhận thức và hành động phù hợp. Theo đó Văn hóa kinh doanh, Văn hóa doanh nghiệp vừa là yếu tố phát triển bền vững, vừa là động lực của sự thay đổi đó. “Diễn đàn “Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh và tôn vinh các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực cuộc vận động xây dựng Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động ” nhằm đem lại một góc nhìn mới về những thách thức và cơ hội từ COVID-19 và hậu COVID-19” - ông Hồ Anh Tuấn cho biết.

Chú thích ảnh
Quang cảnh diễn đàn.

Tại phiên tọa đàm của diễn đàn, lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam đã chia sẻ tác động của dịch COVID-19 đến văn hóa kinh doanh và “Kiến nghị giải pháp củng cố, phát triển văn hóa kinh doanh trong bối cảnh mới”.

Lãnh đạo các doanh nghiệp đánh giá dịch COVID-19 đã tác động lớn đến doanh nghiệp. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty may 10 cho biết: Dịch đã tác động đến 50-70% doanh thu do bị tác động từ cả nguồn cung nguyên liệu và nguồn cầu nhập khẩu từ châu Âu. Còn theo lãnh đạo Công ty xây dựng Hòa Bình, dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng lớn từ thanh toán nguồn tiền do những đối tác chính là doanh nghiệp bất động sản không bán được hàng… Đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng, văn hóa doanh nghiệp là linh hồn tạo nên cốt cách và thương hiệu của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp công ty đoàn kết, vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội sau dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Tọa đàm về kiến nghị các giải pháp củng cố, phát triển văn hóa kinh doanh trong bối cảnh mới.

Cụ thể, chia sẻ về văn hóa doanh nghiệp, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết: Thách thức chính là sự tôi luyện con người Tân Hiệp Phát. Và điều đó giúp Tân Hiệp phát là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất trong top 5 công ty đồ uống tại Việt Nam, tiên phong và cạnh tranh song phỏng với công ty đa quốc gia.

“Do đó, tập đoàn Tân Hiệp Phát xây dựng nguyện vọng đóng góp cho sự phồn vinh của xã hội và là niềm tự hào của người Việt Nam bằng cách xây dựng Tập đoàn có thương hiệu quốc gia lớn mạnh tầm cỡ quốc tế. Về tầm nhìn trở thành tập đoàn hàng đầu ở Châu Á trong lĩnh vực thức uống à thực phẩm. Từ đó, xây dựng sứ mạnh sản xuất, kinh doanh các sna rphaamr tốt cho sức khỏe người tiêu dùng Châu Á với mùi vị và chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời thỏa mãn nhu cầu hiện có và tiềm ẩn của khách hàng để trở thành đối tác được ưa chuộng trong kinh doanh”, bà Trần Uyên Phương chia sẻ.

Chú thích ảnh
Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát chia sẻ về xây dựng văn hóa kinh doanh tại đơn vị.

Từ đó, Tân Hiệp Phát xây dựng 7 giá trị cốt lõi là: Thỏa mãn khách hàng, chất lượng chuẩn quốc tế, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, không gì là không thể, làm chủ trong công việc, hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai, chính trực.

“Văn hóa doanh nghiệp tạo dựng từ giá trị và cách hành xử trong tổ chức. Theo đó, lãnh đạo tập đoàn luôn lắng nghe, ghi nhận và phản hồi tạo dựng nên môi trường làm việc tích cực cho các thành viên trong công ty. Đồng thời, tập đoàn luôn duy trì nguyên tắc không đồng ý nhưng phải đồng thuận. Để xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tập đoàn đã xây dựng bộ tiêu chí phát triển năng lực lãnh đạo, trung tâm phát triển năng lực lãnh đạo và mỗi lãnh đạo là một niềm cảm hứng cho doanh nhân. Tại Tân Hiệp Phát, đào tạo và phát triển con người là trọng tâm trong xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp”, bà Trần Uyên Phương cho biết.

Tại tọa đàm, khi được hỏi chìa khóa để đơn vị phát triển sau dịch COVID-19, bà Trần Uyên Phương khẳng định, sáng tạo cùng với văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp đơn vị vươn lên, tạo sự khác biệt.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao sáng kiến tổ chức diễn đàn của Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” - vừa kiểm soát dịch COVID- 19 hiệu quả, vừa đẩy mạnh phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ về xây dựng hóa doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng khẳng định, trong hai thập kỷ qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có bước đột phá, góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy các nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội; góp phần quyết định vào việc duy trì sự ổn định và tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách và đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội.

Hiện nay, cả nước có trên 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng vai trò chủ đạo đóng góp khoảng 42% GDP và tạo ra hơn 50% việc làm cho xã hội. Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, doanh nghiệp phát triển thì đất nước sẽ phát triển, muốn đất nước thịnh vượng thì phải có lực lượng doanh nghiệp hùng hậu, lớn mạnh và phát triển bền vững. Doanh nghiệp luôn có vị trí đặc biệt, là động lực phát triển và đóng góp quan trọng nhất vào quy mô và tốc độ tăng trưởng của kinh tế đất nước.

COVID - 19 đã tác động đến tất cả các nhân tố thuộc về văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp như: triết lý, đạo đức kinh doanh, văn hóa ứng xử, văn hóa tiêu dùng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, sáng tạo xã hội, tinh thần kinh doanh vì xã hội, khởi nghiệp sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững... Để góp phần giảm nhẹ tác động của dịch COVID -19 lên nền kinh tế và đời sống người dân, thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn.

Đến nay, rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức cơ quan, đoàn thể và cá nhân đã đồng hành cùng Chính phủ tìm cách tái thiết kinh tế đất nước trong bối cảnh “bình thường mới”; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, các giải pháp đặc thù từ góc độ văn hóa vẫn còn đang bỏ ngỏ. Vì thế, Phó Thủ tướng đánh giá rất cao việc tổ chức diễn đàn này.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thống nhất với các chia sẻ từ diễn giả đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại diễn đàn về những tác động thuận nghịch của đại dịch COVID - 19 đối với doanh nghiệp; vai trò của văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trong việc giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch và tái thiết kinh tế...

Phó Thủ tướng Thường trực đồng ý với nhận định mà nhiều diễn giả, đại diện cho các doanh nghiệp phát biểu: muốn doanh nghiệp phát triển phải xác định rõ chiến lược, mục tiêu kinh doanh; xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại, hiệu quả; xây dựng thương hiệu; nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và không ngừng đổi mới, sáng tạo thì doanh nghiệp cần phải xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, xác định đây là vấn đề cốt lõi, nền tảng cho doanh nghiệp phát triển.

Phó Thủ tướng cho biết những kiến nghị, đề xuất tại diễn đàn sẽ được tập hợp trình lên Thủ tướng Chính phủ để các đề xuất hữu ích nhanh chóng đi vào cuộc sống .

Nhân dịp này, Ban Tổ chức diễn đàn đã tôn vinh các tập thể, doanh nghiệp, cá nhân đã có nỗ lực vượt bậc trong xây dựng, củng cố văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp của Việt Nam, từng bước khắc phục tác động bất lợi do đại dịch COVID-19 gây ra, hưởng ứng tích cực cuộc vận động xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động...

 

Bài và ảnh: Xuân Cường - Trung Nguyên
Chuyển đổi số bắt đầu từ đâu và thực hiện như thế nào?
Chuyển đổi số bắt đầu từ đâu và thực hiện như thế nào?

Bạn đọc hỏi: Đơn vị chúng tôi muốn thực hiện chuyển đổi số, vậy chuyển đổi số bắt đầu từ đâu và xây dựng chiến lược và triển khai như thế nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN