Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hy Lạp

Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hy Lạp đã có những bước tiến đáng khích lệ, tăng đều trong những năm qua, từ 196 triệu USD vào năm 2015 lên 335 triệu USD vào năm 2017

Ngày 10/12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hy Lạp, nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của đoàn doanh nghiệp Hy Lạp do ông Terens-Nikolaos Quick, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hy Lạp dẫn đầu cùng 16 doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong các lĩnh vực như công nghiệp thực phẩm, sản xuất dầu oliu, dệt may, đầu tư bất động sản, năng lượng, phát điện, chiếu sáng...

Khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI, ông Đoàn Duy Khương nhận định, Việt Nam và Hy Lạp có quan hệ hợp tác truyền thống hữu nghị lâu đời. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay Chính phủ và nhân dân Hy lạp luôn dành sự ủng hộ cho đất nước và nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển ngày nay. 

Chú thích ảnh
Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Hai nước cũng thường xuyên hợp tác tích cực và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương trong khu vực và quốc tế, như Liên hợp quốc, ASEM, Diễn đàn ASEAN – EU. Hy Lạp là nước sớm phê chuẩn Hiệp định Hợp tác và đối tác Việt Nam – EU (PCA) và ủng hộ việc sớm thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Hy Lạp cũng là nước thành viên EU luôn ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU và mong muốn trở thành “cửa ngõ” cho Việt Nam trong mối quan hệ với EU.

Ông Khương cho biết thêm, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn, nhưng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hy Lạp đã có những bước tiến đáng khích lệ, tăng đều trong những năm qua, từ 196 triệu USD vào năm 2015 lên 335 triệu USD vào năm 2017. Tuy nhiên, chưa phản ánh đúng tiềm năng và mong muốn của cả hai nước.

Việt Nam và Hy Lạp tuy là hai quốc gia nằm ở hai châu lục khác nhau, nhưng có nhiều nét tương đồng, đều có vị trí địa chính trị quan trọng, có nền văn hóa lâu đời, có lịch sử trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Những yếu tố này là điều kiện thuận lợi để tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên. 

Hiện nay, Việt Nam được coi là nền kinh tế đang phát triển năng động của Đông Nam Á, trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu các mặt hàng nông sản, dệt may, da giày…, và đang trở thành một trong những thị trường tiêu dùng hấp dẫn nhất trên thế giới.

Việt Nam đã rất chủ động và đạt được nhiều thành tựu trong việc đổi mới nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế; đơn giản và minh bạch hóa thủ tục hành chính. Việt Nam cũng đã hợp tác sâu rộng với nhiều đối tác quan trọng, phê chuẩn 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với các đối tác trong khu vực và trên thế giới. Khoảng 60 nền kinh tế đã và đang đàm phán FTA với Việt Nam, bao gồm các đối tác thương mại chủ chốt nắm giữ khoảng 90% kim ngạch thương mại của Việt Nam. 

Có thể nói đây chính là thời điểm vàng để Việt Nam và Hy Lạp cùng hợp tác chặt chẽ để đưa quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước vươn lên tầm cao mới, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư. Hai bên cần đẩy mạnh trao đổi, buôn bán các mặt hàng thế mạnh trong những lĩnh vực hai bên có nhu cầu và tiềm năng phát triển như vận tải biển và logistics, đóng tàu, khai thác cảng biển, du lịch, chế biến nông sản... 

Để làm được điều này, ngoài sự ủng hộ quan tâm của Chính phủ hai nước, rất cần có sự nỗ lực và phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp. Với tư cách là một cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và thế giới, Phòng Thương mại và Công nghiệp luôn là đầu tầu, chủ động xây dựng chiến lược phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh đầu tư.

Đại diện đoàn doanh nghiệp Hy Lạp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Terens Nikolaos Quick nhấn mạnh, Việt Nam và Hy Lạp có nhiều điểm tương đồng trong lịch sử cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp 43 năm qua là tiền đề vững chắc để củng cố và phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt trong thời gian tới. 

Hy Lạp là quốc gia có ngành công nghiệp sản xuất phát triển, đặc biệt có ngành vận tải biển phát triển ở vị trí hàng đầu thế giới. Hai bên đã có những hoạt động trao đổi, tìm hiểu hợp tác trong lĩnh vực này và hiện đang trong quá trình đàm phán ký kết Hiệp định hợp tác về vận tải biển. Có thể nói, đây là lĩnh vực hợp tác tiềm năng nhất mà nếu được triển khai sẽ trở thành một động lực lớn trong thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Nền kinh tế Hy Lạp hiện tại đã có những chuyển biến tích cực, đang dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng. Việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được phê chuẩn trong thời gian tới cũng sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý và cơ hội thúc đẩy giao thương, thương mại giữa hai nước. Do đó, thời gian sắp tới sẽ là cơ hội thuận lợi để hai nước tiến hành mở rộng hợp tác trên những lĩnh vực hiện chưa phát huy hết tiềm năng.

Thạch Huê (TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Samdech Hun Sen dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Samdech Hun Sen dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia

Chiều 6/12, tại Hà Nội, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN